Kinh tế đêm – du lịch đêm là chọn lựa của nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc xây dựng mô hình du lịch đêm là một bước đi quan trọng để phát triển ngành du lịch và kinh tế đêm. Du lịch đêm giúp tăng tiêu dùng, mua sắm, góp phần tăng doanh thu và thuế cho nhà nước, thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch. Du lịch đêm còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương, tạo ra nhiều công việc mới và đa dạng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Ông Sơn cho biết, các nước có ngành du lịch phát triển mạnh đều tăng cường đầu tư vào du lịch đêm. Ở Pháp, năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 157 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp 9,7% vào GDP của nước này. Với Thái Lan, năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỷ Baht (tương đương 63 tỷ USD), chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp khoảng 2% vào GDP của nước này.
Theo ông Sơn, thành công của các quốc gia khi đầu tư phát triển du lịch đêm khiến chúng ta có thêm động lực. Mà muốn thế phải xây dựng được những mô hình tốt.
Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến mặt trái của du lịch đêm để quản lý tốt hơn. Trước hết, cần quan tâm đến việc bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự công cộng, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cư dân địa phương. Bởi du lịch đêm có thể gây ra tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân. Việc kiểm soát tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng trở thành một thách thức đối với các bên liên quan. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch đêm có thể dẫn đến một lượng lớn du khách đổ về các điểm đến vào buổi tối, gây tắc nghẽn giao thông và quá tải các điểm du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng trải nghiệm du lịch của du khách, gây căng thẳng với cộng đồng địa phương.
“Để kinh tế đêm cũng như du lịch đêm mang lại hiệu quả, đồng thời tránh xảy ra các tệ nạn xã hội không mong muốn, tôi cho rằng, cơ quan chức năng, kể cả địa phương cần đưa ra biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch đêm. Trong đó cần kiểm soát số lượng du khách, giám sát hoạt động các doanh nghiệp du lịch, và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn và an ninh. Cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng như chiếu sáng đường phố, các tiện ích công cộng và giao thông công cộng để đảm bảo sự thuận lợi, an toàn cho du khách” – ông Sơn nói.
Còn theo ông Lê Công Năng (Wondertour), thống kê cho thấy mức chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam khá thấp so với các nền du lịch phát triển. Khách quốc tế chi tiêu trung bình tại Việt Nam khoảng 1.000 USD (hơn 24 triệu đồng). Trong khi đó, con số Thái Lan là 1.600 USD (39,7 triệu đồng), Nhật Bản và Tây Ban Nha khoảng 1.300 USD (32,2 triệu đồng), còn Anh xấp xỉ 1.800 USD (44,7 triệu đồng) và Mỹ là 3.400 USD (84,4 triệu đồng).
Vẫn theo ông Năng, ban ngày, du lịch Bangkok (Thái Lan) phần lớn là các điểm tham quan về văn hóa như cung điện, chùa chiền, bảo tàng, khu vui chơi giải trí… Còn ban đêm lại là một thành phố không ngủ. Khách quốc tế đến đây “có chỗ để tiêu tiền”vào các hoạt động như du thuyền ăn tối trên sông Chao Phraya, cuốn mình trong các show diễn nghệ thuật đậm chất sử thi như Siam Niramit Show hoặc Calypso Cabaret Bangkok, Muay Thái hay đầy tính giải trí như Nanta Show; mua sắm và ăn đêm đến 2 giờ sáng tại các chợ đêm…
“Điểm chung của mô hình “thành phố không ngủ” trên thế giới thành công là hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, cửa hàng tiện lợi, bar, nhà hàng… được vận hành hết công suất, phục vụ khách du lịch đến bình minh. Nếu như ban ngày, khách du lịch thông thường sẽ chi tiêu ấn định thông qua mua tour trọn gói thì buổi đêm sẽ là thời gian để khách du lịch thỏa sức chi tiêu.
Khi đó, du lịch đêm sẽ đóng vai trò quan trọng, gián tiếp tạo nguồn thu cho nhiều ngành nghề khác” – ông Năng nói và cho biết, du khách phản ánh dịch vụ du lịch của Việt Nam tốt nhưng buổi tối mọi hoạt động rơi vào trạng thái “ngủ đêm” nên họ cảm thấy hụt hẫng.
Tuy nhiên, nếu xem đây là dòng sản phẩm chủ lực trong du lịch để tập trung phát triển và khai thác bền vững thì các thành phố du lịch có mong muốn triển khai cũng cần xét lợi thế, điểm mạnh của địa phương để tạo sản phẩm du lịch phù hợp. Vì chắc chắn du lịch đêm tại Hà Nội, TPHCM sẽ khác du lịch đêm tại Sa Pa, Đà Lạt và càng khác với Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An…
“Ngoài yếu tố văn hóa, bài toán “con gà – quả trứng” cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta thường đóng dịch vụ trước 12 giờ đêm vì cho rằng không có khách, ngược lại khách lại không háo hức tham gia du lịch đêm vì trải nghiệm “lửng lơ” khi không còn gì chơi sau 12 giờ đêm. Chính vì thế, cần có chiến lược tổng thể từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để tổ chức, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp” – ông Năng nói.