Điểm đến du khách quốc tế đáng ghé thăm
9 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam ghi nhận những con số ấn tượng, vượt xa kỳ vọng. Theo thống kê, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến trong 9 tháng thậm chí cao hơn con số 12,6 triệu lượt cả của năm 2023.
Du lịch Việt Nam 9 tháng đầu năm ghi nhận kết quả ấn tượng trong thu hút khách quốc tế. |
Đây là thành quả của những nỗ lực từ nới lỏng chính sách thị thực, quảng bá hình ảnh đất nước đến nâng cao chất lượng dịch vụ. “Kỳ vọng trong những tháng còn lại năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay”, Cục Du lịch Quốc gia nhận định.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng du lịch Việt Nam có thể đạt mục tiêu thu hút khách quốc tế, thậm chí “lập kỷ lục”, vượt qua con số đã đạt được ở giai đoạn trước dịch COVID-19.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam khẳng định, tháng 9 là thời điểm chuyển giao giữa mùa du lịch nội địa sang mùa du lịch quốc tế, đợt đón khách nước ngoài bắt đầu cao điểm từ 3 tháng cuối năm. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay.
Lạc quan hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng cả nước có thể đón khoảng 19 triệu lượt khách quốc tế, vượt giai đoạn trước dịch: “Dù khách Trung Quốc trở lại chưa nhiều nhưng ngành du lịch lại đón rất nhiều khách Hàn Quốc, Ấn Độ… góp phần thúc đẩy du lịch quốc tế và tiêu dùng nội địa tăng”.
Việt Nam có không ít cơ sở để tin tưởng vào những nhận định lạc quan trên. Mới đây, tại bảng xếp hạng 20 nước tốt nhất thế giới 2024 dành cho khách du lịch do tạp chí du lịch nổi tiếng toàn cầu Condé Nast Traveler tổng hợp, Việt Nam đã được vinh danh ở vị trí 15 với 89 điểm. Từ “điểm đến đáng chú ý”, Việt Nam đã trở thành “điểm đến du khách quốc tế đáng ghé thăm”.
Từ nay đến cuối năm, vẫn còn nhiều dư địa để đón khách, đơn cử 3 tháng cuối năm, Phú Quốc – đảo ngọc của du lịch Việt Nam dự tính đón khoảng 123.258 lượt du khách quốc tế do vào dịp lễ Giáng sinh, đón năm mới 2025 và kỳ nghỉ đông. Cả năm đạt mục tiêu 847.226 lượt khách, vượt hơn 27% kế hoạch và tăng 52,6% so với năm 2023.
Hay như Hạ Long, Quảng Ninh ngày 18/10 vừa đón du thuyền 5 sao Costa Serena với 3.040 khách từ Hong Kong, Trung Quốc. Ngày 21/10 tiếp tục đón tàu Viking Orion đưa hơn 1.000 khách châu Âu, đánh dấu mốc đón 3 triệu khách quốc tế – hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ninh Bình cũng tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu, một trong 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới năm 2024. Từ đầu năm, lượng khách quốc tế đến Ninh Bình đã đạt gần 1 triệu lượt, gấp hơn 3,1 lần so với cùng kỳ 2023, mang lại nguồn doanh thu trên 7.251 tỷ đồng. Từ tháng 10 được xem là “mùa vàng” đón khách quốc tế, Ninh Bình dự đoán lượng khách sẽ tiếp tục tăng cao.
Không “ngồi im” chờ khách tới
Dẫu nhiều cơ hội, ngành du lịch không thể xem nhẹ mục tiêu, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách. Cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực, biến động kinh tế toàn cầu, bài toán nhân lực… là những “rào cản” cần vượt qua.
Theo bà Đinh Thị Thuý Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê, mục tiêu thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế là nhiệm vụ rất khó khăn.
“Để hoàn thành mục tiêu, trong quý IV phải thu hút được 5,3 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy bình quân 1 tháng sẽ phải đạt được 1,74 triệu lượt. Tuy nhiên, chúng tôi thống kê từ tháng 1 đến tháng 9 Việt Nam mới thu hút được bình quân 1,41 triệu lượt khách quốc tế/tháng. Cùng với số liệu từ các năm trước, chúng tôi thấy rằng năm 2019 Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách, trong đó quý IV đã đón được 5,1 triệu lượt khách, trung bình 1 tháng được 1,71 triệu lượt”, bà Phương phân tích.
Mặt khác, Trung Quốc – thị trường truyền thống hàng đầu của du lịch Việt Nam mới chỉ phục hồi ở mức 68%. Trong dịp Tuần lễ Vàng của khách Trung Quốc (1-7/10), một số doanh nghiệp Việt Nam chuyên dòng khách này thậm chí thừa nhận lượng khách chỉ bằng khoảng 10% trước dịch; hướng dẫn viên không có việc làm.
Khách quốc tế từ một số quốc gia khác cũng phục hồi ở mức thấp như Thái Lan (87%), Malaysia (82%), Nhật Bản (74%). Đây vừa là thách thức, đồng thời là cơ hội cho thấy du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa.
Rõ ràng, không thể “ngồi im” chờ đợi. 3 tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung tăng tốc với những giải pháp quyết liệt.
“Nếu chúng ta chỉ đơn thuần tổ chức roadshow (hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch lưu động) thì tốn kém mà hiệu quả không cao. Thay vào đó, du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, tích cực tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn”, ông Hoàng Nhân Chính nêu ý kiến.
Sáng kiến Visa “6 quốc gia, một điểm đến” do Thái Lan đề xuất để cùng Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar thúc đẩy du lịch cũng là một trong những giải pháp giúp tăng cường khách quốc tế.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt cho biết, khách thị trường xa đến Việt Nam thường muốn kết hợp du lịch các quốc gia lân cận. Nếu sáng kiến được thông qua, khách quốc tế, trung bình dành 7-14 ngày ở Việt Nam, có thể kéo dài lịch trình 3-4 tuần. Các công ty lữ hành có thể tổ chức các tour từ Việt Nam đến Lào và Campuchia, rồi đưa du khách trở lại Việt Nam để bay về nước.
Tuy nhiên, nhiều công ty trong lĩnh vực du lịch cũng đặt câu hỏi về tính khả thi, cho rằng sáng kiến giàu tham vọng này đòi quyết tâm thực hiện cao giữa các quốc gia vốn có quy định nhập cảnh khác nhau. Bên cạnh đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa những công ty lữ hành ở từng nước, dịch vụ du lịch cũng cần có quy chuẩn để du khách trải nghiệm liền mạch.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Sự phục hồi nguồn khách từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam cất cánh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các điểm đến tại Việt Nam khi thu hút khách Trung Quốc cần hướng tới thị trường tốt hơn, bền vững hơn và có mức chi trả cao hơn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Các địa phương cần quy hoạch tổng thể khu vực phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), từ đó có chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển chuỗi dịch vụ lưu trú, giải trí, mua sắm chuyên nghiệp, đáp ứng được lượng khách lớn và chi tiêu cao. Bên cạnh đó hoạt động quảng bá cũng cần được đẩy mạnh, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ lao động. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Hà Nội không ngừng nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền cho từng thị trường cụ thể, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và quảng bá du lịch. Do vậy, Hà Nội không chỉ giữ vững vị thế là điểm đến văn hóa – du lịch hàng đầu mà còn tiên phong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành một điểm đến toàn cầu. |