Tổng cục Du lịch tham mưu Bộ VHTT&DL đề xuất tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được thực hiện cho tới năm 2021, kéo dài tới hết năm 2023.
Chính sách hỗ trợ đó là về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm tiền điện với các cơ sở lưu trú như giá điện sản xuất, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, khoanh hạn những khoản nợ chưa chi trả, hỗ trợ hướng dẫn viên…
Tổng cục Du lịch cũng sẽ làm việc, khuyến khích với các địa phương có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về nhiều mặt, từ tài chính, tín dụng tới hỗ trợ người lao động, phát triển sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã và sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lao động bị mất việc làm từ tháng 7/2021 tới nay, hiện trên cả nước đã chi trả gần 80%.
Để chuẩn bị mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, Tổng cục Du lịch đang gấp rút hoàn thiện phương án đón khách sau 15/3 với nhiều điểm nới lỏng cho du khách và doanh nghiệp, như du khách có thể đến Việt Nam du lịch tự do không cần phải qua một doanh nghiệp lữ hành nào, và tất cả doanh nghiệp lữ hành đáp ứng đủ quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh lữ hành quốc tế đều có thể tham gia đón khách.
Khách cũng sẽ được tham gia mọi hoạt động du lịch như khách nội địa khi bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 tối thiểu 10.000 USD, và chỉ cần test nhanh cho kết quả âm tính sau khi nhập cảnh trở về cơ sở lưu trú và tự theo dõi sức khỏe.
Song song với đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đang thúc đẩy để tăng thêm số lượng các quốc gia công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam.
Ông Khánh cho biết hiện chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng cho Việt Nam, trong khi nước ta đã công nhận giấy chứng nhận này ở 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng đang tập trung vào xây dựng các chính sách thu hút người lao động ngành du lịch quay trở lại như đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại, phối hợp với các địa phương, đề nghị địa phương có chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ cùng với các địa phương kiểm tra, rà soát về chất lượng sản phẩm du lịch, về hạ tầng kỹ thuật du lịch nhằm nâng cao chất lượng điểm đến.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng lưu ý việc xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới là vấn đề rất quan trọng nhằm tạo nên sức hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm du lịch.
Ông Khánh khẳng định Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để sớm có hướng dẫn cụ thể trước 15/3 cho địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị, sẵn sàng mở cửa đón du khách trở lại Việt Nam.