• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Điểm đến an toàn, hấp dẫn mở ra cơ hội phục hồi của du lịch Việt Nam

    Thứ ba, 21-12-2021 / 9:11:33 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    376 Lượt xem

    Theo các tour trọn gói, du khách quốc tế tích cực khám phá những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm nhiều hoạt động thể thao, giải trí cũng như thư giãn, nghỉ dưỡng.

    Sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch COVID-19, cuối tháng 11/2021, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại ở một số vùng du lịch trọng điểm.

    Du lịch nội địa đã có những bước khởi sắc đáng kể. Yếu tố an toàn cho du khách, doanh nghiệp và điểm đến du lịch luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Dịch COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát cũng là điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

    Đi song song bằng cả du lịch nội địa và quốc tế

    Để chuẩn bị tái khởi động hoạt động du lịch, ngay từ giữa tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

    Cùng với đó, Bộ họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm du lịch về việc tái khởi động hoạt động du lịch; làm việc với Bộ Ngoại giao và các đại sứ, lãnh đạo của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm. Bộ làm việc với các hãng hàng không, lữ hành về kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế.

    Tổng cục Du lịch triển khai chiến dịch truyền thông thu hút khách quốc tế “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) nhằm quảng bá rộng rãi chiến dịch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, hướng tới mở cửa hoàn toàn trở lại vào năm 2022.

    Năm địa phương là Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh tham gia chương trình thí điểm đón khách quốc tế. Tám đơn vị lữ hành được đón khách quốc tế trong giai đoạn 1 thí điểm gồm các công ty Marketing Highland, Việt Nam Travelmart, Du lịch Nhật Minh, Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Vijasun, Vietravel, Lux Group và Anex Việt Nam.

    Theo báo cáo, số lượng khách du lịch quốc tế đã đón tính đến ngày 6/12 là 1.179 (Kiên Giang đón 204 khách, Quảng Nam đón 159 khách; Khánh Hòa đón 816 khách; Quảng Ninh và Đà Nẵng dự kiến đón khách quốc tế từ tháng 1/2022). Dự kiến đến hết năm 2021, Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ đón khoảng 3.500 khách, Khánh Hòa đón 11.000 khách.

    Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đảm bảo tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng cho du khách.

    Theo các tour trọn gói, du khách quốc tế tích cực khám phá những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm nhiều hoạt động thể thao, giải trí cũng như thư giãn, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, du khách thể hiện sự yên tâm với các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn của Việt Nam. Đây chính là một kênh lan tỏa, chứng minh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách.

    Đối với du lịch nội địa, ngày 16/12, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn-Trải nghiệm trọn vẹn;” góp phần từng bước phục hồi ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân; đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.

    Diem den an toan, hap dan mo ra co hoi phuc hoi cua du lich Viet Nam hinh anh 2Du khách quốc tế khám phá không gian du lịch ”đảo Ngọc” Phú Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

    Trong tháng 11/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 2,5 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Thời gian tới, du lịch nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng với nhiều sản phẩm, điểm đến gần gũi với thiên nhiên, du khách đi theo nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn. Ví dụ như đi Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch, lên Sa Pa tham gia các hoạt động lễ hội mùa đông hoặc lên Mộc Châu, Điện Biên, Cao Bằng, đi du ngoạn Hạ Long, Tràng An… Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, du khách có thể chọn Đà Nẵng, Hội An, Huế, Phú Yên, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Đắk Lắk, Gia Lai…

    Đón đầu xu hướng du lịch an toàn, các sản phẩm du lịch dịp cuối năm và Tết Dương lịch 2022 đang được các đơn vị lữ hành, du lịch chuẩn bị với nhiều chương trình hấp dẫn. Theo nhiều doanh nghiệp, việc đẩy mạnh các sản phẩm du lịch dịp này không chỉ là đòn bẩy để tái tạo thị trường mà còn là cách để người làm du lịch và du khách dần thích nghi với bối cảnh mới.

    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định năm 2022 vẫn là năm đầy thử thách đối với ngành du lịch vì vậy cần phát huy vai trò đòn bẩy ở một số trung tâm du lịch lớn.

    Thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên cho du khách.

    Để thực hiện được mục tiêu đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương tập trung đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

    Kiến nghị một số giải pháp thích ứng phù hợp với thực tiễn

    Nghị quyết số 155/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021 đã nêu rõ yêu cầu tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế gắn với an toàn dịch bệnh. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, nhất là dịp Giáng sinh, Năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

    Đối với du lịch quốc tế, Chính phủ chỉ đạo từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế phù hợp với đặc điểm, tình hình dịch COVID-19; kịp thời sơ kết, đánh giá để xây dựng phương hướng, kế hoạch đón khách quốc tế cho năm 2022. Việc cùng lúc nắm bắt thời điểm cuối năm để “hâm nóng” lại thị trường trong nước và quốc tế đã đem lại nhiều tín hiệu vui đối với du lịch.

    Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao, còn việc đón khách du lịch quốc tế thông qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn. Theo đánh giá của một số địa phương và doanh nghiệp khai thác khách du lịch tàu biển, việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng. Hiện đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để tiếp đón các du thuyền cập bến sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Đặc biệt, các hãng tàu quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông cuối năm 2021.

    Diem den an toan, hap dan mo ra co hoi phuc hoi cua du lich Viet Nam hinh anh 3Khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ tại khu nghỉ dưỡng Sunset Sanato Resort & Villas, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong giai đoạn 2 của lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (dự kiến từ tháng 1/2022), phạm vi đón khách sẽ bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế.

    Hiện nay, tỉnh Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thí điểm đón khách quốc tế.

    Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đón khách từ tháng 12/2021 và mở rộng phạm vi đón khách quốc tế trong năm 2022; không yêu cầu cách ly sau khi nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine.” Tỉnh Bình Định đề xuất tham gia đón khách du lịch quốc tế từ giai đoạn 2 đến bán đảo Phương Mai, xã đảo Nhơn Châu thuộc thành phố Quy Nhơn; thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát và trung tâm thành phố Quy Nhơn (hình thức City tour).

    Để tiếp tục triển khai việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với du khách từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3/2020, nhằm tạo nhu cầu cho du khách và tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

    Bộ đề nghị xem xét mở rộng phạm vi đón khách du lịch đến Việt Nam trong giai đoạn 2 của lộ trình thí điểm. Cụ thể là cho phép triển khai sớm giai đoạn 2 của Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

    Đối với phạm vi đón khách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị cho phép đón khách qua đường biển, đường bộ và các chuyến bay quốc tế thường lệ; cho phép khai thác khách du lịch outbound đối với các thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam; đồng thời bổ sung thêm các địa phương tham gia đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 gồm Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh (theo đề xuất của địa phương)…/.

    Nguồn : Vietnam+
    Tin mới