Năm ngoái, vợ chồng ông E.R.Hawkins (quốc tịch Mỹ) có chuyến du lịch Đông – Tây Bắc tại Việt Nam, trong đó Sa Pa là nơi ông bà Hawkins cảm thấy thất vọng. Theo lời du khách này, khi đến một số bản làng thì gặp người mặc trang phục dân tộc đeo bám khá lâu và liên tục mời mua hàng, khiến họ khó chịu và không cảm nhận được nhiều về điểm đến. Tại TP.HCM, chợ Bến Thành cũng từng là nơi du khách nước ngoài gặp trải nghiệm không tốt, gây tâm lý lo ngại bị chặt chém.
Du khách còn e ngại khi đến du lịch Việt Nam
“Việt Nam cần có quy trình xử lý việc chặt chém khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, bởi vấn đề này gây ra hình ảnh xấu cho du lịch Việt Nam”, ông Zachary Sewell – Giám đốc sản phẩm du lịch Đông Dương, công ty Vivu Journeys nêu ý kiến.
Theo ông Zachary Sewell, mặc dù Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn hơn nhiều quốc gia khác, nhưng thực tế là khách du lịch nước ngoài vẫn lo sợ bị trộm cắp vặt. Ngoài ra du khách cũng quan tâm nhiều đến sức khỏe và an toàn, liên quan tới an toàn thực phẩm, chất lượng nước và mức độ sẵn sàng của các cơ sở y tế.
“An toàn giao thông đôi khi cũng là nỗi lo, đặc biệt là ở các thành phố nhộn nhịp như Hà Nội và TP.HCM, nơi tình trạng giao thông có thể gây khó khăn cho du khách nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức về môi trường, bao gồm ô nhiễm, tác động tiêu cực của du lịch đại chúng và rác thải nhựa đang hủy hoại vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam”, ông Zachary Sewell nói với VOV.VN.
Ông Andre Gentzsch – Tổng giám đốc điều hành Quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng nhấn mạnh 3 điều du khách nước ngoài e ngại về Việt Nam, đó là sợ mất an toàn giao thông, sợ bị lừa, sợ không thể du lịch một mình nếu không biết tiếng Anh. Ngoài ra thực tế là tại nhiều thị trường, du khách không có đủ thông tin về Việt Nam nên họ chưa coi Việt Nam là một điểm đến du lịch tiềm năng.
“Nhiều du khách nước ngoài sợ bị lừa, điều này không hoàn toàn đúng, nhưng Việt Nam chưa quản trị được thương hiệu du lịch. Cần phải chứng minh cho du khách ở những thị trường tiềm năng về Việt Nam an toàn, không lừa đảo. Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với vô số địa điểm để khám phá, nhưng hoạt động tiếp thị còn yếu và quản lý điểm đến chưa đủ tốt để thuyết phục khách nước ngoài quay lại và không nói xấu về Việt Nam”, ông Andre Gentzsch nhận định.
Cuối năm ngoái, tờ báo Deccan Herald của Ấn Độ đã nêu ra hàng loạt kiểu lừa đảo mà khách du lịch nên cảnh giác khi đến Việt Nam, như người lái xích lô và xe ôm có thể tính phí quá cao cho khách du lịch; vé tham quan giả mạo; lừa đảo chụp ảnh cùng và thu tiền ngoài dự kiến; bán hàng giả, hàng kém chất lượng với giá cao; trả sai số tiền thừa khi mua bán hay thanh toán…
“Hãy giữ đồ đạc an toàn và cảnh giác những kẻ móc túi. Tránh khoe những món đồ có giá trị như trang sức hay vật dụng đắt tiền. Sử dụng dịch vụ và phương tiện vận chuyển uy tín và hỏi giá trước. Hãy xin phép trước khi chụp ảnh ai đó. Hãy biết nghi ngờ khi đột nhiên có người đề nghị giúp đỡ dù bạn không yêu cầu”, bài viết trên tờ Deccan Herald cảnh báo du khách khi đến Việt Nam.
Ông Andre Gentzsch đánh giá, từ một số thị trường, tỉ lệ khách nước ngoài quay lại Việt Nam chỉ khoảng 5%: “Tỉ lệ thấp đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi nhiều cơ hội để du khách quay lại và mang theo tiền để chi tiêu. Điều đó cũng có nghĩa là những người này gần như không giới thiệu bạn bè của họ đến Việt Nam. Trong khi đó, khoảng 60% du khách từng đến Thái Lan sẽ quay lại. Họ không chỉ quay lại mà còn giới thiệu tích cực về đất nước này với bạn bè, khiến những người bạn của họ cũng muốn thử đến Thái Lan”.
Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều có ngân sách đáng kể cho công tác tiếp thị, và các quốc gia này có nhiều văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Trong khi đó du lịch Việt Nam hiện diện còn yếu trên thế giới, cũng rất thiếu các sự kiện, hội nghị đủ lớn để thu hút khách du lịch MICE.
“Làm thế nào Việt Nam có thể quảng bá thành công ở nước ngoài, khi không có sự hiện diện của bất kỳ cơ quan du lịch đáng chú ý nào tại các thị trường trọng điểm? Nhiều khách sạn riêng lẻ thậm chí hoạt động tích cực hơn và hiện diện tốt hơn so với các điểm đến Việt Nam nói chung, và những khách sạn này đã có kết quả kinh doanh tốt hơn đáng kể so với các đối thủ. Trừ khi ngành du lịch Việt Nam nhận ra điều này và có hành động phù hợp, nếu không sẽ khó bắt kịp các đối thủ cạnh tranh như cách chúng ta hình dung”, ông Andre Gentzsch phân tích.
Ông Zachary Sewell cũng cho rằng Việt Nam đang gặp phải thách thức lớn, vì các nước láng giềng cũng đang cung cấp dịch vụ du lịch ở mức rất cao. Lợi thế của Việt Nam là sự phong phú về điểm đến, cảnh quan đa dạng với di sản văn hóa có chiều sâu. Giá cả phải chăng về chỗ ở, thực phẩm và phương tiện ở Việt Nam cũng giúp du khách tiết kiệm chi phí du lịch hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên chất lượng dịch vụ du lịch ở Việt Nam cần phải đồng bộ và nhất quán. Các vấn đề về rào cản ngôn ngữ và tiêu chuẩn dịch vụ phải được khắc phục. “Cả ngành du lịch và doanh nghiệp phải cùng nhau đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động trong ngành nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, đặc biệt là kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp quốc tế. Ví dụ chúng tôi đang đào tạo hướng dẫn viên tiếng Hà Lan và sắp tới là hướng dẫn viên tiếng Đức để tăng nguồn cung hướng dẫn viên trên thị trường”.
Ông Andre Gentzsch cho rằng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần có vai trò lớn hơn, và đề xuất cơ quan này được giao quyền hỗ trợ và giám sát một số điểm đến được chọn lọc, từ đó cung cấp khóa đào tạo nâng cao và xây dựng các điểm đến ưu tiên này đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Ngoài ra, công tác quản lý du lịch ở địa phương cần được chuyên môn hóa, làm việc bằng sự đam mê và chuyên nghiệp với mục tiêu rõ ràng; đồng thời cần một hệ thống cấp kinh phí và đơn vị giám sát cho hoạt động du lịch.