Phát biểu tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định: Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch. Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch.
Đưa liên kết kích cầu vào chiều sâu, thực chất
Trong những lúc ngành du lịch gặp khó khăn thì liên kết, kích cầu luôn là là “chất xúc tác” thúc đẩy lượng khách. Thông qua kích cầu, nhiều sản phẩm lạ lẫm đã trở thành những xu thế, điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên trong thời gian qua, lực lượng nòng cốt tham gia liên minh kích cầu chủ yếu vẫn là các công ty lữ hành và hàng không, thiếu vắng sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương… nên sản phẩm kích cầu chưa tối ưu.
Thời gian kích cầu ngắn dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc truyền thông và bán sản phẩm tới khách hàng hoặc khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ như tăng giá; thay đổi chính sách khuyến mại…
Theo ông Nguyễn Công Hoan – Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, năm 2021 vẫn là năm khó khăn của ngành du lịch thì vai trò của liên minh, liên kết cần phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa.
“Hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn. Chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 – 2 năm phù hợp với giai đoạn của thị trường như thấp điểm, ổn định, bão hòa… Liên kết không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước” – ông Nguyễn Công Hoan cho biết.
Cũng theo ông Hoan, việc kích cầu du lịch không chỉ tập trung vào việc giảm giá mà còn phải đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách quay trở lại nhiều lần.
“Các địa phương phải thể hiện vai trò và trách nhiệm rõ ràng hơn. Chính quyền địa phương cần chủ động đi đầu trong việc ưu đãi các khoản phí, lệ phí, tích cực tham gia phối hợp với liên minh trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến; giám sát chất lượng dịch vụ” – ông Hoan nhận định.
“Khoác áo mới” cho doanh nghiệp
Năm 2020, đa số các doanh nghiệp lữ hành giảm quy mô hoạt động, nhiều đơn vị tạm thời dừng hoạt động hoặc đóng cửa và xu hướng này có thể nối sang năm 2021. Trong bối cảnh đó, phương châm “linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp.
Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc công ty Hanoitourist cho rằng, doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững để ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai.
“Nhân lực của các doanh nghiệp sẽ được nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, cả về phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch, marketing, vận hành và quản trị doanh nghiệp du lịch bền vững… Quản trị doanh nghiệp bền vững sẽ giúp cho các doanh nghiệp lữ hành nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, dự đoán và đối phó với rủi ro, thách thức trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp” – ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần hướng đến chuyển đổi số. Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, các doanh nghiệp du lịch không thể bỏ qua việc chuyển đổi số, đây là yếu tố tiên quyết cho sự khôi phục và tái cấu trúc. Việc này giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhân lực, tiếp cận nhanh và khai thác tốt nhóm nhỏ, khách lẻ – nhóm du lịch chính trong giai đoạn tới.
Ông Phùng Quang Thắng nhận định, chuyển đổi số sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị và hệ sinh thái của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp lữ hành giao tiếp hiệu quả hơn với khách du lịch, tạo thuận lợi trong tổ chức hoạt động tiếp thị và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Chia sẻ về áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh du lịch, ông Nguyễn Đức Anh – Giám đốc công ty VPlus cho biết: Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch MICE, tổ chức sự kiện bị ngưng trệ và công ty buộc phải nghiên cứu sản phẩm mới. Nhờ ứng dụng công nghệ, công ty đã xây dựng nền tảng Vticket để khách hàng dễ dàng đặt dịch vụ du lịch như vận chuyển, điểm đến, cơ sở lưu trú… Ngoài ra, công ty đã xây dựng mô hình giải chạy trực tuyến cho cộng đồng, kết hợp thể thao với du lịch và xúc tiến điểm đến. Mỗi giải chạy sẽ gắn với một điểm đến du lịch, người tham gia sẽ tự thực hiện chặng đua. Ứng dụng sẽ tự động cập nhật kết quả của người chạy lên hệ thống sau đó đánh giá, xếp hạng và trao giải.
Thay đổi về quảng bá thông tin, xúc tiến du lịch
Trước đây, hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa đạt hiệu quả tối ưu vì thiếu sự phối hợp giữa các bên. Đôi khi các doanh nghiệp xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường này nhưng địa phương lại chú trọng vào sản phẩm khác, trong những thời điểm không tương thích.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, vấn đề trên phải nhanh chóng được khắc phục trong thời gian tới; các địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tập trung vào các sản phẩm nhất định nhằm phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí ngân sách.
Ngoài ra, truyền thông về du lịch an toàn cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bà Nguyễn Lê Hương – Phó Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, cần nhấn mạnh hơn nữa vào yếu tố an toàn của điểm đến và các khu vực lân cận. Thông điệp “du lịch an toàn, an toàn để đi du lịch” cần được lan tỏa, cùng với các yếu tố di chuyển an toàn, dịch vụ an toàn và điểm đến an toàn.
Về công tác xúc tiến du lịch quốc tế, ông Võ Anh Tài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam khẳng định: Năm 2021, ngành du lịch cần tiếp tục duy trì quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, hấp dẫn tại các thị trường quốc tế thông qua các hội chợ du lịch trực tuyến. Việc này dù chưa đem lại hiệu quả tức thời, nhưng giúp doanh nghiệp duy trì quan hệ với đối tác, tiếp xúc doanh nghiệp (B2B), cập nhật nhu cầu thị trường và có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai./.