Nhiều doanh nghiệp lữ hành, resort lớn đặt kỳ vọng vào lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh trong năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón khoảng 1,65 triệu lượt khách quốc tế, chỉ mới đạt hơn 30% so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Với Quảng Nam, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ và đã sớm đạt mục tiêu đề ra nhưng du lịch quốc tế cũng vấp phải khó khăn tương tự.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL), đến thời điểm này Quảng Nam đón hơn 410.000 lượt khách quốc tế, gấp 26 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng chưa thể so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Theo một số chủ khách sạn lớn, dịp cuối năm sẽ là thời gian cao điểm đón khách du lịch quốc tế. Vì vậy nhiều người kỳ vọng thời gian này sẽ đón khách với số lượng lớn. Hiện nay, các thị trường khách chủ lực ở khu vực Đông Bắc Á vẫn rất dè dặt trong việc khôi phục trạng thái du lịch như trước đây, trong đó thị trường khách Trung Quốc hầu như đóng băng.
Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất trong năm nay nhưng cũng chỉ đạt gần 490.000 lượt (năm 2019 đạt tới 4,3 triệu lượt). Trong khi đó, nhiều nước châu Âu vốn là nhóm khách truyền thống của du lịch Quảng Nam lại hoàn toàn vắng bóng trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất vào nước ta.
Trong trạng thái trầm lắng chung, xuất hiện một số dấu hiệu khả quan về các thị trường gần hoặc mới nổi. Thống kê cho thấy, lượng khách Ấn Độ đến nước ta trong quý III năm nay đã vượt xa so với cùng kỳ năm 2019.
Thêm nữa, việc xúc tiến đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng với thành phố Mumbai (Ấn Độ) đang diễn ra tích cực, dự kiến khai trương vào giữa tháng 10, mở ra thêm cơ hội về việc thu hút thị trường này với Quảng Nam.
Nhiều thị trường thuộc khu vực Đông Nam Á cũng đang có đà phục hồi tích cực để dần quay lại mức năm 2019. Đây cũng là nhóm thị trường rất tiềm năng với du lịch Quảng Nam bởi những năm gần đây các thị trường Thái Lan, Malaysia đã lọt vào top 10 thị trường khách lưu trú lớn nhất của Quảng Nam.
Ông Steve Wolstenholme, Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, tin tưởng trong thời gian cuối năm, lượng khách sẽ tăng cao.
“Quảng Nam từ trước đến nay vốn được biết đến nhiều nhất nhờ hai Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận gồm phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn và địa phương còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch hơn nữa, đặc biệt ở phân khúc cao cấp để thu hút khách quốc tế”, vị này nói.
Vị này cho hay hiện nay số lượng chuyến bay đưa khách nước ngoài tới sân bay Đà Nẵng mới bằng 30% năm 2019, vì vậy còn cơ hội rất lớn cho dịp cao điểm cuối năm.
“Hiện nay Trung Quốc là thị trường lớn nhất vẫn chưa mở cửa trở lạ. Vì vậy, chúng tôi cũng có những kế hoạch riêng cho các thị trường lân cận”, ông Steve Wolstenholme, nói.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Việt Đà, cho hay thời điểm này đơn vị cũng nhận được booking của khách quốc tế. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là khách lẻ, chưa có khách theo đoàn.
Ông Lộc cho hay đơn vị đã có rải rác khách đặt từ khu vực châu Âu, một số nước như Singapore, Thái Lan… nhưng vẫn chưa nhộn nhịp. Nhóm thị trường khách này thường có xu hướng lưu trú rất dài, có thể đến cả tháng hoặc vài tháng nhưng hiện tại vẫn gặp khó trong vấn đề thị thực.
Vị giám đốc công ty du lịch cho hay sắp tới, tại TP Đà Nẵng sẽ tổ chức hội chợ du lịch quốc tế, một số đơn vị nước ngoài cũng tham gia. Đây là cơ hội tốt để đưa ngành du lịch phát triển và bùng nổ trong năm 2023.
Hội chợ sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thể thao (golf, đua thuyền, lướt sóng…), du lịch nghỉ dưỡng, các doanh nghiệp kinh doanh và cung cấp dịch vụ MICE, du lịch khám phá của Việt Nam và quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết bên cạnh việc xúc tiến quảng bá tại các thị trường truyền thống và chủ lực trước khi có dịch Covid-19, ngành du lịch đang tập trung xúc tiến khai thác các thị trường mới rất triển vọng như Ấn Độ, Trung Đông…
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh liên kết với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng để tạo nên hành trình 3 địa phương 1 điểm đến nhằm tăng sức hút với khách quốc tế. Trong tháng 10, Quảng Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn du lịch Mekong, góp phần thúc đẩy liên kết du lịch tiểu vùng Mekong mở rộng. Đây là một hướng đi để đánh thức kho báu tài nguyên du lịch của khu vực này cũng như mở ra cơ hội đa dạng hóa thị trường du lịch đến Quảng Nam.