Những tín hiệu tích cực
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5-2022 là 172,9 nghìn lượt, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, kể từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch (từ ngày 15-3-2022), với chính sách “hộ chiếu vắc xin” cởi mở, nhiều đường bay quốc tế được nối lại, đặc biệt là việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đông hơn.
Sau 3 tháng chính thức mở cửa hoạt động du lịch, nhiều địa phương đã có khách quốc tế. Gần đây nhất là tỉnh Khánh Hòa đón 160 khách Singapore đến Nha Trang. Thành phố Đà Nẵng sau khi đón những đoàn khách Singapore và Thái Lan vào cuối tháng 3-2022 đang tiếp tục mở rộng thị trường Ấn Độ. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đón 4.300 lượt khách quốc tế chỉ tính riêng trong dịp 30-4 và 1-5…
Thị trường đưa khách đi du lịch nước ngoài bước đầu cho thấy sự sôi động. Theo đánh giá của nhiều đơn vị lữ hành, các sản phẩm đang thu hút du khách là tour đi Đông Nam Á, Đông Bắc Á do chính sách visa và “hộ chiếu vắc xin” thông thoáng. Trong mùa cao điểm hè, các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nước ngoài hai chiều. Điển hình là Công ty Vietravel tung ra thị trường chương trình du lịch Hàn Quốc (6 ngày) miễn visa cùng nhiều phần quà hấp dẫn từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc. Các công ty lữ hành VietSense Travel, Hanoitourist, Flamingo Redtours… đẩy mạnh sản phẩm du lịch Bali (Indonesia) với mức giá 11-12 triệu đồng/người cho 5 ngày 4 đêm. Một số công ty mạnh về thị trường du lịch châu Âu, Mỹ như VietFoot Travel, Tràng An Travel… đã tổ chức được nhiều đoàn với số lượng khách ngày càng tăng.
Nhận diện khó khăn để tháo gỡ
Tổng cục Du lịch cho biết, mặc dù hoạt động đón khách quốc tế đã được khơi thông nhưng lượng khách đến Việt Nam chưa được như thời điểm trước dịch. Việc đón khách inbound và outbound còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ: “Đơn vị mới đón được những đoàn khách lẻ từ thị trường Mỹ. Chúng tôi đang gặp vướng mắc vì nhiều khách muốn lưu trú tại Việt Nam lâu hơn trong khi điều kiện visa tại Việt Nam mới cho phép khách ở lại 15 ngày. Bên cạnh đó, biến động của giá xăng dầu khiến chi phí nhiều dịch vụ tăng theo nên việc xây dựng kế hoạch đón khách gặp trở ngại”.
Còn Giám đốc Công ty Du lịch Ventindo Travel Thái Thị Thanh Lan cho biết, trong 3 tháng qua, đơn vị đã đón được một số đoàn khách Pháp còn bảo lưu vé do bị ảnh hưởng của dịch. “Mặc dù Việt Nam đã cởi mở đón khách quốc tế nhưng nhiều quốc gia vẫn siết chặt chính sách đi lại. Hiện nay, các thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nga chưa có khách”, bà Thái Thị Thanh Lan thông tin. Trong khi đó, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cho hay, cùng với niềm vui đón khách quốc tế, các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn như thiếu tài chính, nhân sự, làm mới sản phẩm, xúc tiến du lịch, kết nối lại khách hàng.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn khách quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các đơn vị cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, các đơn vị cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách. Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các đơn vị cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Các địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch.
Theo báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Còn dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới… Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến du lịch thu hút khách quốc tế. “Với nỗ lực tổ chức và khắc phục khó khăn của các địa phương, đơn vị, ngành Du lịch có thể gia tăng lượng khách quốc tế trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.