Ngành du lịch đang tích cực chuẩn bị tái khởi động với lộ trình mở cửa với phương châm ‘An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn’.
Ngành du lịch đang từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Mở cửa theo từng cấp độ
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước hết sẽ khôi phục hoạt động du lịch tại các khu vực có nguy cơ thấp “cấp 1- điểm đến an toàn”, tiến tới “kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch”, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Cụ thể, từ tháng 10/2021, tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro… Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.
Từ tháng 11/2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn (tiêm vaccine, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID), bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.
Về đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc từ tháng 11/2021 – 3/2022. Trong đó, đối tượng sẽ là khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và năng lực tiêm phủ vaccine tốt như: Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Astralia…; khách nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến; khách đáp ứng yêu cầu liên quan về việc tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2, có đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, minh bạch.
Về phía địa phương, để chuẩn bị các điều kiện đón khách cần thực hiện các bước: Tiêm chủng cho người dân; lựa chọn tuyến, điểm và đơn vị cung cấp dịch vụ và quy trình phục vụ khách; tập huấn các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; có phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, từ tháng 12/2021 – 6/2022 sẽ nhân rộng mô hình mở cửa đón khách quốc tế tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Sau đó sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022.
Trước mắt mở cửa du lịch nội địa một cách an toàn, thu hút du khách với du lịch trải nghiệm. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Cần nhận thức đầy đủ cả về thách thức và cơ hội
Để sớm khôi phục hoạt động du lịch, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương quan tâm, sớm có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, khôi phục hoạt động kinh doanh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch…
Xây dựng và cụ thể hóa kế hoạch phục hồi du lịch theo chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và định hướng tại Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL.
Liên kết xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, điểm đến an toàn; mô hình du lịch an toàn tại các địa điểm tương đối biệt lập, sử dụng dịch vụ khép kín, không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng.
Mở cửa đón khách với lộ trình cụ thể, từng bước chắc chắn, giải pháp hiệu quả: Trước hết khuyến khích khách trong nội tỉnh; tiếp đến là trao đổi khách giữa các địa phương an toàn (giữa các điểm đến an toàn); từng bước mở rộng thu hút khách từ các địa phương trong cả nước.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tái khởi động du lịch đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan như y tế, giao thông, công an… để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và quy trình đón khách an toàn tại điểm đến. Các địa phương cần biến những thách thức thành cơ hội trong việc cơ cấu lại thị trường, ứng dụng công nghệ, đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm cũ, quảng bá các chương trình phù hợp với nhu cầu của thị trường trong bối cảnh mới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, các địa phương cần nhận thức đầy đủ cả về thách thức và cơ hội khi mở cửa, với các biện pháp, lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%; tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã đề xuất và được Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động du lịch gồm: (1) Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2021, (2) Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất, thời gian hỗ trợ 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6-12/2021, (3) Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đến hết năm 2021, (4) Miễn, giảm lãi vay; miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 6/2022, (5) Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021 và (6) Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn…