Du lịch chất lượng cao không khải là khách sạn 5 sao hay 6 sao mà phải là con người 5 sao, 6 sao, nếu không chúng ta sẽ không có dịch vụ du lịch chất lượng tốt. Lao động ngành du lịch cũng phải được đào tạo bài bản, yêu cầu cao hơn…
Nội dung này được đại diện địa phương, doanh nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm “Mở cửa du lịch hậu Covid – Những vấn đề nóng cần giải quyết” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20/3.
Để phục hồi du lịch thì nguồn nhân lực là một yếu tố rất quan trọng, nhất là khi người lao động trong ngành này đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong hơn hai năm qua. Theo thống kê, nguồn nhân lực của ngành du lịch là 2,5 triệu lao động, bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau dịch bệnh.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, muốn phục hồi du lịch thì một trong những vấn đề cần chuẩn bị tốt là nguồn nhân lực. Bởi lẽ, thời gian qua khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự dịch chuyển lao động từ khối du lịch, dịch vụ sang các ngành khác là rất lớn.
“Muốn kéo nguồn lao động này quay trở lại là không dễ dàng, không phải tất cả đều muốn quay lại ngay. Rõ ràng dù hoạt động du lịch đã mở cửa nhưng chưa đảm bảo chắc chắn, nên việc kéo người lao động quay lại là họ phải suy nghĩ”, ông Thủy nói.
Với Quảng Ninh, dù là địa phương có thế mạnh lớn về du lịch, song theo ông Thủy ngoài ra tỉnh còn rất phát triển về công nghiệp chế biến chế tạo, do đó trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đây là lĩnh vực tạo việc làm tốt cho người lao động trong ngành du lịch chuyển việc. Sau thời gian đã ổn định, việc kéo người lao động trở lại với ngành du lịch sẽ cần có cách thức phù hợp.
Trước thực tế đó, Sở Du lịch Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát số lao động trong các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, từ đó đưa ra các chương trình đào tạo cụ thể cho nhóm này.
“Chúng tôi cho rằng, du lịch chất lượng cao không khải là khách sạn 5 sao hay 6 sao mà phải là con người 5 sao, 6 sao, nếu làm không được thì không kịp có du lịch chất lượng tốt. Lao động ngành này phải được đào tạo bài bản, đơn cử chỉ một bữa ăn thì cách phục vụ thế nào, rót rượu ra sao là những thứ cũng phải phải được đào tạo rất cụ thể, bài bản”, ông Thủy nói và cho hay, xác định rõ điều này nên Quảng Ninh sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, song tỉnh cũng mong muốn sắp tới các bộ, ngành cùng song hành, hỗ trợ, kết hợp với địa phương.
Về phía doanh nghiệp, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel cho biết, để chuẩn bị mở cửa, đơn vị này đã mời gọi được một số lao động lâu năm quay trở lại, còn thời gian tới sẽ tùy tình hình công việc. Các năm, doanh nghiệp này cũng đón một lực lượng nhân lực là sinh viên chuẩn bị ra trường đến thực tập.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp vừa đào tạo, hướng dẫn và chọn lọc nhân sự khi chuẩn bị ra trường. “Thực tế, thời điểm này các sinh viên chuẩn bị ra trường rất đông và đang chuẩn bị tốt nghiệp, chúng tôi sẽ đón đến thực tập sau đó sàng lọc và đào tạo thành nguồn nhân lực cho công ty”, ông Phùng Xuân Khánh thông tin.
Còn ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Du thuyền Ambassador Cruise cho biết, trước đó dù khó khăn do dịch bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn hỗ trợ để giữ chân nhân viên, đồng thời giới thiệu cho người lao động công việc khác để ngay khi thị trường mở cửa có thể đón được 80% nhân viên cũ quay lại. “Thời điểm này, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt phòng cho tới hết tháng 5/2022. Đây là tín hiệu khá tốt”, ông Hoàng Anh Dũng nói.
Về kế hoạch trong thời gian tới, theo ông Dũng bên cạnh hướng đến các đối tác ở những thị trường tiềm năng tại châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, xa hơn là châu Âu, châu Mỹ, doanh nghiệp cũng tập trung vào khách hàng nội địa.
“Trước đây, chúng tôi có 75% khách nước ngoài và 10-25% khách nội địa. Khách nội địa thậm chí khó phục vụ hơn khách nước ngoài, với dịch vụ 5-6 sao họ mong đợi tốt hơn”, ông Dũng nói và cho rằng điều này đặt ra yêu cầu phải luôn bồi dưỡng nhân sự để đáp ứng yêu cầu của du khách, xa hơn là đón được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Canada.