• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Du lịch chủ động, tiếp tục vượt khó

    Thứ ba, 02-03-2021 / 9:50:42 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    408 Lượt xem

    Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng khiến du lịch những tháng đầu năm 2021 với nhiều hy vọng “khởi sắc” lại rơi vào tình trạng ảm đạm. Trước tình hình đó, ngành du lịch các địa phương đã có nhiều biện pháp để chủ động vượt khó.

    Đề cao yếu tố “dịch vụ du lịch an toàn”

    Chuyển hướng khai thác thị trường nội địa, giảm giá các tour du lịch phù hợp túi tiền của khách hàng và đề cao yếu tố “dịch vụ du lịch an toàn” là giải pháp được doanh nghiệp du lịch trong tỉnh áp dụng để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

    Ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú đặt yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong tỉnh đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch cồn, đeo khẩu trang bắt buộc, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp… Nhiều hãng du lịch đóng gói sẵn dụng cụ chống dịch để phát miễn phí cho du khách mang theo. Những biện pháp này nhằm tạo cảm giác an toàn và thoải mái cho khách du lịch giữa mùa dịch, đồng thời là yếu tố cạnh tranh về dịch vụ giữa các hãng du lịch.

    Hiện dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó doanh nghiệp du lịch Kiên Giang cần tính toán kịch bản ứng phó với những tình huống xấu nhất. Trong đó, doanh nghiệp du lịch cần linh hoạt, đa dạng loại hình kinh doanh để tồn tại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thay đổi chuỗi kinh doanh để tạo dư địa tăng trưởng. Về lâu dài, Kiên Giang đang định hình lại thị trường và sản phẩm du lịch để phục hồi ngành du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

    Các doanh nghiệp du lịch đang tích cực nghiên cứu, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch như sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sự kiện, du lịch khám phá và trải nghiệm thiên nhiên… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

    Du lịch TPHCM tìm hướng đi mới

    Tại TPHCM, hơn 2 tuần không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhiều doanh nghiệp du lịch lại đau đầu với bài toán “bán tour tiếp hay chờ dịch qua”, một số doanh nghiệp khác nỗ lực tìm hướng đi mới để tồn tại.

    Tour du lịch tham quan TPHCM. Ảnh internet

    Sở Du lịch TPHCM cho rằng trong bối cảnh du khách lo ngại đi tỉnh du lịch khi trở lại TPHCM có thể bị cách ly cũng là điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình du lịch tại chỗ (city tour), chương trình du lịch ngắn ngày ở khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, thay vì đi tour bằng máy bay phổ biến trước đây, các chương trình du lịch sử dụng phương tiện ôtô sẽ lên ngôi.

    Đón đầu xu hướng này, một số công ty du lịch vừa giới thiệu loại hình tour mới bằng xe riêng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và yếu tố bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu.

    Theo Vietravel Holdings, chương trình tour được doanh nghiệp đầu tư khảo sát lựa chọn từ cung đường nào an toàn, thuận tiện, có phong cảnh đẹp, điểm tham quan phù hợp đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn lưu trú đạt chuẩn. Du khách tham gia tour có thể sử dụng xe cá nhân từ 4-7 chỗ hoặc nếu có nhu cầu sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng xe riêng và tài xế…

    Công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour vẫn tổ chức tour cho từng nhóm nhỏ theo yêu cầu của khách. doanh nghiệp cũng chào bán tất cả dịch vụ du lịch lẻ và trọn gói cho khách dạng nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè đã biết về lịch sử y tế của nhau. Riêng với các tour đoàn, nhân viên của công ty vẫn đang làm việc tập trung cho những thị trường phù hợp, sẵn sàng cho du lịch hè tới với kỳ vọng tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát ổn định.

    Nhiều công ty lữ hành khác cho biết đang tập trung vào đào tạo đội ngũ nhân sự, tập trung vào marketing, làm việc với đối tác xây dựng tour tuyến… chờ dịch được kiểm soát tốt ở các điểm đến để đưa khách trở lại.

    Quảng Ninh lên kế hoạch mở cửa du lịch trở lại

    Tỉnh Quảng Ninh đang có kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ du lịch khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch, vốn đang đứng trước bờ vực phá sản sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh COVID-19.

    Những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội đặc biệt là làm ngành du lịch ngừng trệ.

    Tỉnh Quảng Ninh đã 2 lần tung ra các gói kích cầu du lịch vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cả nước. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ 3 đã nhấn chìm mọi nỗ lực của những người làm du lịch. Các hoạt động công cộng bị đóng cửa dài ngày, vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử chìm vào yên lặng vì vắng bóng du khách, khoảng 20.000 lao động bị mất việc làm và kế hoạch đón 3,6 triệu khách du lịch trong quý I/2021 bị phá sản.

    Việc khôi phục hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát là điều cần thiết và cũng là bước chuẩn bị cho vụ cao điểm của du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Hiện Quảng Ninh vẫn tiếp tục giảm 50% giá vé vào ngày thường và 100% vào các ngày lễ khi tham quan vịnh Hạ Long và các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn.

    Gần đây nhất, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Du lịch, lãnh đạo các chi hội trực thuộc Hiệp hội để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Sở đang chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai kế hoạch trở lại của du lịch Quảng Ninh

    Bạc Liêu tăng chỉ tiêu phát triển du lịch

    Tỉnh Bạc Liêu chính thức ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2021. Theo đó, tất cả các chỉ tiêu liên quan đến du lịch đều tăng mạnh so với năm 2020 dù dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

    Theo chương trình hành động về phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2021, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt khoảng 3.200 tỉ đồng (tăng khoảng 65% so với năm 2020); trong đó doanh thu nhà hàng khách sạn đạt trên 1.200 tỉ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020).

    Đón tiếp khoảng 3.200.000 khách du lịch (tăng khoảng 40% so với năm 2020). Khách sử dụng dịch vụ lưu trú khoảng 1.500.000 người (tăng khoảng 53% so với năm 2020). Khách quốc tế đạt khoảng 110.000 lượt người. Phấn đấu công nhận từ 01 đến 02 điểm du lịch và đề nghị Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng…

    Để đạt được mục tiêu này, Chương trình cũng dành trên 1,6 tỉ đồng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với việc phát triển du lịch; tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh giáo dục cộng đồng phục vụ phát triển du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch…

    Theo Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL), trong năm 2021, du lịch quốc tế chắc chắn chưa thể sớm trở lại, vì dịch vẫn chưa được kiểm soát trên toàn cầu. Dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, khoảng cuối quý III, IV năm nay, du lịch mới có thể khởi sắc hơn.

    Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam phải luôn chủ động, tính trước các kịch bản để phục hồi. Ngành du lịch cần cơ cấu lại ngành theo xu hướng thích ứng với bối cảnh “bình thường mới” sau dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, an toàn cho mọi người, lấy người dân, du khách là trung tâm.

    Nguồn : Chính phủ
    Tin mới