Cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng
Du lịch chuyển đổi số là chủ đề chính được nhiều chuyên gia đề cập tới trong 3 phiên thảo luận tại buổi hội thảo. Trước những khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 như các chuyến bay bị dừng hoàn toàn, các quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch… nhiều doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình cảnh khó khăn do không có khách, không có doanh thu.
Không chỉ phải “chống đỡ” trước cơn bão Covid-19, doanh nghiệp du lịch còn vấp phải sự thay đổi chưa từng có trong hành vi của khách hàng. Lúc này, việc nắm bắt được hành vi của người tiêu dùng đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp du lịch. Để thích ứng, tồn tại và tăng trưởng, các doanh nghiệp du lịch buộc phải có hành động nhanh chóng nếu không muốn bị đóng cửa.
Và dấu mốc mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3 thực sự rất quan trọng và phù hợp để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch triển khai các chiến lược phục hồi du lịch. Nhận định về dấu mốc này, đại diện của Adobe – ông John Mackenney đóng góp ý kiến rằng, các doanh nghiệp lữ hành nên đưa yếu tố cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng làm tiêu chí hàng đầu để khách hàng lựa chọn sử dụng các sản phẩm của mình.
Bởi, sau những tác động do dịch Covid-19 gây ra, du khách bắt đầu chú trọng hơn vào những mô hình du lịch không cần tiếp xúc trực tiếp. Ví dụ như: Giải pháp nhận dạng khách hàng hoặc khi có vấn đề xảy ra có thể liên hệ với nhân viên khách sạn mà không cần tiếp xúc trực tiếp…
Từ đây có thể thấy, các doanh nghiệp cần xây dựng một chuỗi cung ứng phù hợp với khách hàng sau đại dịch. Để làm được việc đó, chúng ta cần thắt chặt mối quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không, chuỗi khách sạn và du khách. Qua đó, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch mới có thể đồng bộ hóa hành trình du lịch của khách hàng.
Tuy nhiên, đại diện của IBM, ông Sandeep Makhijani cho rằng, bên cạnh việc tập trung vào các trải nghiệm của khách hàng, ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng số, hệ sinh thái số. Một số nhóm giải pháp có thể triển khai sớm như cung cấp chứng chỉ số liên thông các quốc gia để qua đó hỗ trợ tốt hơn cho việc định danh, chứng nhận y tế và đồng thời giúp du khách dễ tiếp cận, trải nghiệm mà vẫn tuân thủ các quy tắc an toàn du lịch.
Làm mới để chuyển mình
Cũng là một trong những thành phố đã trải qua “sóng gió”, du lịch TP HCM đã nhanh chóng làm mới mình để bắt kịp xu thế tất yếu. Cụ thể, trong thời gian qua, Sở Du lịch TP HCM đã thực hiện một số giải pháp công nghệ như tổ chức nhiều hội thảo về số hóa, du lịch thông minh… để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành cũng như nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP HCM còn nhanh chóng triển khai website và app du lịch. Trong đó, có 1 website chính để cập nhật liên tục chính sách, quy định mới sau đại dịch và 1 trang web chuyên về quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch, tích hợp bản đồ 3D, clip 360 độ… Bản đồ tài nguyên du lịch TP Hồ Chí Minh được công bố gồm 366 điểm đến, đưa lên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth…
Phân tích về hướng đi này, ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, đây là giải pháp cần có khi nhu cầu chuyển đổi số của người dân và các doanh nghiệp ở mọi quy mô gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gia tăng mạnh mẽ.
Có thể thấy, ở thời điểm này, các giải pháp du lịch chuyển đổi số đã và đang vô tình thúc đẩy quá trình hoạt động của các doanh nghiệp du lịch dù họ có quy mô lớn hay nhỏ. Tất nhiên, quá trình này còn cần nhiều công sức, nguồn lực cũng như trí tuệ nhưng nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng thay đổi thì việc bị loại khỏi đường đua là điều dễ thấy.