Theo thống kê, 95% doanh nghiệp lữ hành phải ngừng hoạt động. Nhiều cơ sở lưu trú cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng với số lượng lên tới 80 – 90%. Công suất buồng phòng bình quân các nơi chỉ đạt khoảng 10 – 20%; khoảng 30% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nói chung và ngành du lịch nói riêng như: i) Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; ii) Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; iii) Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; iv) Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, các chính sách, giải pháp được triển khai đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Trong đó, các chính sách Nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch thời gian qua bao gồm:
Chính sách về thuế, phí: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Giảm tiền thuê đất năm 2020 và năm 2021. Giảm 30% mức thuế suất thuế VAT hoặc giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ: dịch vụ lưu trú; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…
Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất. Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023. Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021.
Chính sách về tín dụng, miễn, giảm lãi vay đến hết tháng 6.2022 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19).
Chính sách an sinh xã hội: Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn. Theo đó, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người). Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9.9.2021 của Chính phủ.
Thứ trưởng Võ Thành Thống cho rằng, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam dần được kiểm soát ở mức độ an toàn, cùng với xu thế chung mở cửa đón khách du lịch quốc tế của các nước trong khu vực và thế giới, ngành du lịch Việt Nam cần khẩn trương xây dựng phương án phát triển trong tình trạng “bình thường mới”, triển khai thực hiện ngay một số chính sách như: Công nhận “Hộ chiếu vaccine” giữa Việt Nam với các quốc gia là thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch; ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; thí điểm đón khách quốc tế tới một số địa phương bảo đảm các biện pháp y tế an toàn; miễn giảm phí, vé tham quan tại các khu du lịch trọng điểm…