Mặc dù, lượng khách nội địa tăng cao so với các năm trước nhưng số khách đi tour giảm mạnh do kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Khách đi theo hình thức tự túc hoặc mua một phần tour như combo phòng và khách sạn. Thay vì đi dài ngày và xa, khách chọn các chuyến đi trong ngày, ngắn ngày và các điểm đi gần. Chi tiêu dành cho du lịch cũng tiết kiệm hơn. Vì thế các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ gặp khó khăn do lượng khách tour giảm mạnh. Có công ty du lịch giảm tới 50% so với năm 2022.
Theo các chuyên gia, lượng khách quốc tế và doanh thu được coi là “thước đo thành công” của ngành du lịch. Khách quốc tế đến mang theo ngoại tệ, đóng góp quan trọng cho GDP đất nước. Năm 2023, ngành du lịch đã sớm hoàn thành mục tiêu điều chỉnh hồi tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt khách quốc tế nhưng doanh thu từ du lịch vẫn chưa cao ước đạt 421.000 tỷ đồng, kém xa doanh thu 726.000 tỷ đồng năm 2019.
Tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam rất lớn nhờ lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp để chúng ta du lịch. Đặc biệt, năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục được vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” lần thứ 4 sau các năm 2017, 2021 và 2022. Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) vinh dự nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng…
Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát tăng, xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…sẽ là những lực cản đáng kể cho sự phục hồi du lịch trong năm 2024.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, Nhà nước đã điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nhưng lại chưa thành công trong việc thu hút khách quốc tế so với một số nước trong khu vực, bởi chúng ta chúng ta thiếu các chiến lược ngắn, trung và dài hạn. Chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam với thị trường quốc tế vẫn được cho là mờ nhạt, thiếu sự hấp dẫn. Mặt khác, khách du lịch quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo… đây lại là vấn đề còn khá yếu ở Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 850 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, ngành du lịch cần sớm triển khai Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng chương trình hành động du lịch xanh, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng vùng miền; tổ chức hiệu quả các chiến dịch marketting, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm và các thị trường mới như Trung Đông, New Zealand, Australia, Bắc Âu…
Để du lịch Việt Nam thực sự đem lại nguồn thu như mong đợi, đặc biệt từ khách du lịch quốc tế chúng ta cần phân khúc lại khách hàng, hướng khách quốc tế đến những điểm sang trọng, giàu văn hóa và di sản thay vì điểm đến giá rẻ như trước đây.