Đồng quan điểm này, ông Trương Ngọc Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thăng Long cho biết việc đào tạo nhân lực du lịch không phải đơn giản do không cơ sở đào tạo nào cũng có những mô hình thực tế để sinh viên được thực hành các nghiệp vụ, kỹ năng. Do đó, nhiều sinh viên ra trường “vững kiến thức” nhưng “yếu thực tế”, không thể đáp ứng ngay nhu cầu công việc của doanh nghiệp.
Những con số “giật mình” về thực trạng nhân lực du lịch cũng từng được nêu ra trong tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tháng 3 vừa qua. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT Việt Nam), với tốc độ tăng trưởng khách trong nước và quốc tế, mỗi năm Việt Nam cần từ 12.000 – 15.000 lao động du lịch có trình độ cao, trong khi lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 4.000 người, tức là khoảng 1/3 nhu cầu của ngành.
“Làm thế nào nếu chúng ta thiếu gần 10.000 lao động du lịch đủ trình độ mỗi năm? Như thế có nghĩa, nhiều nơi người lao động không được đào tạo về du lịch mà là các ngành khác chuyển sang. Bây giờ phải đầu tư ngay cho đào tạo du lịch, vì sự đầu tư này sẽ không có tác dụng ngay lập tức mà cần từ 10 đến 15 năm”, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cho biết.
Phía Sở Du lịch TP.HCM cũng nhận định vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cho công tác đào tạo trong việc phát triển du lịch, phục hồi sau dịch Covid-19.
Nếu như trước đây ngành du lịch TP.HCM trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng. Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Trước thực trạng này, Sở Du lịch TP.HCM đang nỗ lực kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ sở đào tạo du lịch để cùng tìm ra các giải pháp bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt cho các đơn vị. Trong đó, ngành du lịch TP.HCM phối hợp các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ hiếm như tiếng Nhật, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… cho các hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn với kinh phí xã hội hóa một phần; vận động các cơ sở đào tạo tham gia các sự kiện hoạt động chung của ngành du lịch; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức Sàn giao dịch việc làm chuyên ngành du lịch để các doanh nghiệp tiếp xúc và tuyển dụng lao động trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2023.
Về phía các cơ sở đào tạo, ông Trương Ngọc Kim cho biết trong những năm qua với quan điểm “Kiến trúc thay đổi tư duy” nên trường Đại học Thăng Long đã dành riêng tầng 9 và tầng 10 để thiết kế tổ hợp nhà hàng, khách sạn. Hệ thống nhà hàng, quầy bar, khách sạn, không gian bếp… mô phỏng tiêu chuẩn 5 sao hiện nay với đầy đủ nội thất tiện nghi và trang thiết bị, dụng cụ thực hành hiện đại… Nhờ đó, sinh viên ngành du lịch được thực hành thuần thục các nghiệp vụ như lễ tân, tổ chức sự kiện – hội nghị, phục vụ buồng phòng, nấu ăn, pha chế, phục vụ bàn, quản lí nhà hàng hoặc khách sạn… nên sau khi tốt nghiệp, khoảng 90% sinh viên ngành du lịch của trường có việc làm ngay.
“Khoa Du lịch tại Trường Đại học Thăng Long gồm 2 chuyên ngành đào tạo là Quản trị kinh doanh khách sạn – nhà hàng và Quản trị dịch vụ lữ hành – hướng dẫn, mỗi năm tuyển sinh khoảng 300 chỉ tiêu cho cả khoa. Sinh viên được đào tạo trọng tâm vào kiến thức nền tảng song hành với kĩ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp ngay tại trường. Ngoài ra, nhà trường luôn có liên kết với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, nhờ thế sinh viên cũng được cọ xát, nâng cao tay nghề với các tình huống thực tế”, ông Trương Ngọc Kim nói./.