Những con số ấn tượng
Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 60 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, theo thống kê đến nay lượng khách nội địa đã đạt con số 71 triệu. Dự báo hết năm 2022 số khách nội địa sẽ đạt và vượt thời điểm trước dịch năm 2019 (85 triệu lượt khách).
Trong giai đoạn cao điểm hè (từ tháng 6 đến cuối tháng 8), nhiều điểm đến trong nước được đánh giá là “thỏi nam châm” hút du khách như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Đà Lạt, Phan Thiết… hay ở khu vực Bắc Trung bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An; khu vực Tây Bắc, Đông Bắc trong đó Quảng Ninh với tâm điểm Hạ Long, cũng thu hút rất nhiều du khách.
Những ngày hè vẫn chưa kết thúc khi sắp tới ngành du lịch lại có cơ hội đón thêm du khách của mùa nghỉ lễ 2-9 kéo dài 4 ngày. Đây được đánh giá là kỳ nghỉ chốt trước khi bước vào mùa du lịch Thu-Đông. Các doanh nghiệp lữ hành đều đánh giá kỳ nghỉ 2-9 tuy không ghi nhận đột phá nhưng vẫn nhộn nhịp.
Phía lữ hành Saigontourist cho biết, sau thành công của mùa du lịch hè với hơn 350.000 lượt khách, dịp lễ 2-9 này công ty tiếp tục chú trọng đảm bảo chất lượng dịch vụ, nhằm đáp ứng tốt nhất mục tiêu phục vụ hơn 30.000 lượt khách trên toàn quốc. Tương tự, TST tourist cho biết kỳ nghỉ lễ năm nay công ty sẽ đón khoảng 1.300 khách…
Không chỉ gia tăng mạnh về lượng khách, chi tiêu của khách nội địa cũng có những thay đổi đáng kể. Tại diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 8 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, chia sẻ 1 khách quốc tế chi tiêu khoảng 1.500USD ở Thái Lan và khoảng 1.100USD ở Việt Nam, thì đến thời điểm này chi tiêu của khách nội địa đã vượt các con số trên.
Điều gì khiến du lịch nội địa bùng nổ mạnh mẽ và có những bước phục hồi ấn tượng như vậy sau dịch? Lý do đầu tiên có lẽ phải nói đến sự dồn nén suốt thời gian dài, nên khi du lịch mở cửa trở lại du khách đều mong được đi đó đây để giải tỏa tâm trạng.
Theo chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) được thống kê mới đây bởi Booking.com – công ty du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới – Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tự tin du lịch, với 85% khách du lịch Việt có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới. Một phát hiện thú vị của khảo sát là có đến 45% du khách Việt muốn đi du lịch bởi họ đã lên kế hoạch từ trước đại dịch nhưng chưa thực hiện được, nên bây giờ là thời điểm để lên đường.
Cũng cần phải nói rằng, do mảng du lịch nước ngoài chưa thực sự thuận lợi, nên du lịch nội địa trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước. Nguyên nhân nữa của sự phục hồi thần tốc du lịch nội địa thể hiện kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì được mức thu nhập tốt, thúc đẩy họ đi du lịch nhiều hơn nhằm tái tạo sức lao động.
Khắc phục tồn tại
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng khai thác du lịch nội địa với tâm lý “nội địa” và có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tại thời điểm này có thể khai thác khách nhưng về lâu dài có thể không đáp ứng được.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua báo chí đã phản ánh nhiều điểm mạnh và yếu trong mảng du lịch, từ khâu dịch vụ đến sản phẩm. Nếu không có sự dồn nén, chưa chắc có lượng khách như hiện nay. “Điều này đặt ra với các doanh nghiệp phải suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, tính toán lại. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm không chất lượng sẽ rất khó khăn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thực tế khi lượng khách bùng nổ, niềm vui cũng đi cùng nỗi lo vì nhiều điểm yếu bộc lộ theo. Trong đó nổi bật là tình trạng “chặt chém” khiến không ít du khách bức xúc, làm xấu đi hình ảnh du lịch của nhiều địa phương. Nhiều vụ việc nổi cộm đã phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, mới đây UBND TP Nha Trang đã xử phạt 21 triệu đồng đối với nhà hàng Ngọc Phú, phường Vĩnh Nguyên bị du khách tố “chặt chém” cho 3 phần mì xào bò “chỉ có 4 – 5 miếng vừa khô, vừa dai” giá 600.000 đồng (200.000 đồng/suất). Nhà hàng này bị xử phạt với 2 lỗi gồm niêm yết giá không rõ ràng và chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Nhưng đáng nói hơn, đây không phải vụ việc duy nhất ở TP biển này. Trước đó cũng có không ít phản ánh của du khách về việc này khi du lịch tại Nha Trang.
Nhằm ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách nhiều địa phương, nhất là các điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách, đã gia tăng kiểm tra, xử lý việc niêm yết giá tại các cơ sở dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, cùng với vấn nạn giá, thực trạng thiếu nhân lực đang là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp du lịch. Theo số liệu thống kê có trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước trở lại hoạt động bình thường, với hơn 34.000 cơ sở và 700.000 buồng phòng. Nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch chỉ khoảng 300.000 người, trong đó nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.
Cũng vì thiếu nhân lực, lực lượng làm bán thời gian, thiếu kinh nghiệm đang trở thành lực lượng chính ở nhiều khách sạn, kể cả các khách sạn cao cấp, vì phần đông nhân sự nghỉ việc thời điểm dịch Covid-19 nay đều không muốn quay trở lại. Một cuộc giành giật nhân sự đang là thực tế đau lòng giữa các doanh nghiệp du lịch hiện nay.
Những điểm yếu này của du lịch Việt Nam cần sớm có giải pháp khắc phục nhất là vấn đề thiếu nhân lực. Bởi thiếu nhân sự nhất là nhân sự có chất lượng, du lịch không thể phát triển được.
Những sự chuẩn bị tốt nhất của ngành du lịch không chỉ phục vụ tốt hơn cho khách nội địa, mà xa hơn còn hướng tới phục vụ khách quốc tế, nhóm khách chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành trong suốt những năm qua.
Do mảng du lịch nước ngoài chưa thực sự thuận lợi, nên du lịch nội địa trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước. Sự phục hồi thần tốc du lịch nội địa thể hiện kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi mạnh mẽ sau dịch. |