Bài 1: Còn nhiều cơ hội phát triển ổn định, bền vững
Du lịch nội địa có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam thời gian qua. Khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề với du lịch quốc tế thì thị trường nội địa chính là điểm tựa cho sự phục hồi, giúp giảm thiểu thiệt hại cho toàn ngành. Khi dịch được kiểm soát, du lịch nội địa nước ta nhanh chóng khởi sắc, thậm chí có tăng trưởng đột biến…Theo dự báo, thị trường khách du lịch còn nhiều cơ hội phát triển ổn định, bền vững.
Tăng trưởng tốt ngay sau dịch COVID-19
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trong giai đoạn 2016-2022, lượng khách du lịch nội địa tăng trưởng đều, trước khi có dịch đã đạt đỉnh cao nhất vào năm 2019 với 85 triệu lượt khách. Khách thường tập trung đi du lịch vào các ngày lễ lớn, phần lớn là dịp hè, nghỉ lễ 30/4-1/5; 2/9 Tết dương lịch…với gia đình, nhóm bạn bè từ 1-3 ngày.
Khách du lịch nội địa thường đến các điểm truyền thống, tiếp cận dễ dàng và có tiện nghi hỗ trợ. Có thể kể đến một số điểm được khách yêu thích như nghỉ dưỡng biển ở Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang…; nghỉ dưỡng núi ở Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang, Đà Lạt (Lâm Đồng)…; du lịch đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và một số điểm khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Các chuyên gia cũng nêu rõ: Yêu cầu về dịch vụ của khách nội địa ở mức trung bình khá trở lên do nhu cầu tăng, đời sống vật chất của người dân được cải thiện. Quỹ thời gian cũng nhiều hơn nên người Việt Nam có nhu cầu đi du lịch với mức dịch vụ tốt, đạt tiêu chuẩn.
Về sản phẩm, các doanh nghiệp cho biết, Khách yêu thích và thường sử dụng các sản phẩm nghỉ dưỡng biển (49%), nghỉ dưỡng núi (41,8%), du lịch sinh thái (50%), du lịch cộng đồng (50,9%). Bên cạnh đó, còn có các loại hình du lịch được nhiều người quan tâm như du lịch nghỉ dưỡng tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra các sản phẩm có yêu cầu riêng về thể chất, tinh thần cũng được các doanh nghiệp khai thác theo hướng thị trường ngách như du lịch mạo hiểm, thể thao, thiện nguyện, du lịch golf…
Thạc sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chia sẻ: Trong thời gian dịch COVID-19, thị trường du lịch nội địa thực sự là điểm tựa cho sự phục hồi ngành du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch nội địa đã có bước khởi sắc tích cực. Có 90% cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài. Việc làm mới, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh. Hoạt động liên kết phát huy hiệu quả, nhất là kết nối giữa các trung tâm du lịch (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) với các điểm đến lân cận.
Năm 2022, nước ta đạt được lượng khách nội địa cao kỷ lục với 101,3 triệu lượt khách; tăng hơn 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách; vượt qua mốc đỉnh cao vào năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19.
Kết quả này có được là nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch đúng thời điểm cùng hàng loạt các sự kiện phát động lại thị trường của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các địa phương, doanh nghiệp cũng nhanh chóng hưởng ứng, triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch, cho ra đời sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau dịch bệnh.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của thị trường khách du lịch nội địa thì việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường này thực sự là một trong chiến lược quan trọng để góp phần khôi phục ngành du lịch Việt Nam sau COVID-19.
Năm 2023 ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Xúc tiến, quảng bá hiệu quả bằng Famtrip
Xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch là hoạt động không thể thiếu đối nếu muốn đẩymạnh phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là ở các địa phương với những điểm đến còn ít được biết đến. Famtrip là một hình thức được đánh giá là hình thức quảng bá du lịch khá hiệu quả, tiết kiệm được chi phí với du lịch nội địa.
Vào tháng 10/2022, 60 đơn vị lữ hành khu vực phía Bắc đã tiến hành khảo sát ở Quảng Ninh nhằm xây dựng tour mùa thu đông hấp dẫn du khách ở khu vực này. Sau chuyến Famtrip, các đơn vị lữ hành sẽ lên kế hoạch xây dựng tour tuyến mùa thu đông tại Quảng Ninh, chào bán các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đặc biệt là kết nối tuyến du lịch Hạ Long và Móng Cái, Yên Tử – Móng Cái hay Yên Tử – Bình Liêu để mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ và thú vị cho du khách.
Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh phát triển du lịch bốn mùa với mục tiêu làm mới sản phẩm và làm sản phẩm mới. Những trải nghiệm truyền thống như du thuyền, tắm biển sẽ được “nâng cấp” bằng các trải nghiệm mới như hoạt động khám phá, thể thao… Tỉnh cũng tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sản phẩm trrải nghiệm như du lịch miền biên giới để hút khách quanh năm, không để ảnh hưởng yếu tố mùa vụ như trước. Do đó, các hoạt động Famtrip để xây dựng sản phẩm mới phù hợp hoặc làm mới các sản phẩm đã có là hoạt động cần thiết.
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức cho các đơn vị lữ hành lớn, chuyên gia du lịch khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình. Đây là chuyến famtrip đầu tiên mà Quảng Bình chủ trì sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hơn 130 thành viên đại diện cho hiệp hội du lịch của 21 tỉnh, thành phố phía Bắc, 6 tỉnh miền Trung; hơn 30 doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã đến khảo sát các khu, điểm du lịch ở Quảng Bình.
Các thành viên đã khảo sát các khu, điểm tham quan du lịch nổi bật như Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sân golf FLC Quảng Bình, Trang trại điện gió B&T, Khu nghỉ dưỡng Blue Diamond Camp, thung lũng Hava, sông Chày-hang Tối cùng các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Sau chuyến khảo sát, hình ảnh du lịch Quảng Bình được phủ sóng nhiều hơn trên các kênh thông tin. Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn tàu charter đưa hơn 1.000 du khách từ Hà Nội đến với Quảng Bình. Các hiệp hội du lịch miền Bắc cũng đã góp trên 65% lượt khách đến với Quảng Bình thời gian qua…
Theo đánh giá của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Famtrip (Familiarization trip), là hình thức du lịch miễn phí dành cho các hãng lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí, đơn vị truyền thông để tới một hay nhiều điểm du lịch, đặc biệt là những điểm du lịch mới, còn ít người biết đến để khảo sát, tìm hiểu về tiềm năng du lịch, các điều kiện phát triển du lịch, từ đó có những hành động thiết thực để hỗ trợ phát triển du lịch địa phương.
Song hành với hoạt động khảo sát, Famtrip thường gắn với tọa đàm trao đổi, đánh giá thực trạng, chất lượng các dịch vụ du lịch sau khảo sát thực tế. Từ đó, đoàn Famtrip giúp địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch hoàn thiện, phát triển sản phẩm, đnh hướng kế hoạch phát triển du lịch trong tương lai. Có thể nói, Famtrip là hình thức quảng bá du lịch khá hiệu quả, tiết kiệm được chi phí. Đó thực sự là cơ hội tốt cho tất cả các bên tham gia vào quá trình tổ chức và thực hiện các chương trình Famtrip.
Thực tế, việc tổ chức các đoàn Famtrip sẽ giúp các đơn vị lữ hành có cái nhìn tổng quát về điểm đến, đồng thời nắm rõ được chất lượng dịch vụ trước khi bán sản phẩm cho khách hàng. Bên cạnh đó, các chuyến đi Famtrip cũng sẽ tạo cơ hội cho các đối tác gặp gỡ, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, bàn bạc chính sách giá, chương trình tour, thiết kế tour phù hợp giữa bên đặt ra nhu cầu và bên cung ứng dịch vụ…
Từ năm 2000, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình Hành động Quốc gia về du lịch, Tổng cục Du lịch thường xuyên tổ chức các hoạt động khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch trên khắp các vùng, miền miền dành cho các đơn vị truyền thông, lữ hành trong và ngoài nước. Tổng cục Du lịch thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch. Các hoạt động này đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.