Đầu năm, nhiều điểm du lịch tưng bừng đón du khách, mang đến những tín hiệu vui cho ngành kinh tế xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành bày tỏ lo lắng vì đang đứng ngoài cuộc chơi.
Du khách đổ về các điểm du lịch đông nườm nượp trong dịp Tết. |
Nhiều điểm đến đông nghịt du khách
Ngay từ mùng 1 Tết Nguyên đán, nhiều địa phương như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã đón những đoàn khách “xông đất”, mở màn cho chuỗi hoạt động du lịch trong năm mới.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 29/1 đến 6/2), cả nước đã đón khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là, trong 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt). Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.
Việc tạo kênh kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ như hàng không, lưu trú, ăn uống, điểm tham quan với các doanh nghiệp lữ hành cũng quan trọng không kém, nhằm tạo cơ chế giải quyết các vấn đề hợp tác thương mại giữa các đơn vị này, đảm bảo sự hợp tác bình đẳng, lành mạnh và đúng luật trong các hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh tế.
Tây Ninh là địa phương đón lượng khách lớn nhất với 595.000 lượt; công suất phòng lưu trú khoảng 65%. Bà Rịa – Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách, tổng thu đạt 358 tỷ đồng; công suất khách sạn 3-5 sao đạt 97%.
Lâm Đồng đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có hơn 120.000 lượt khách có lưu trú qua đêm, tăng trên 128,9% so với cùng kỳ năm ngoái; công suất cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 95%.
Quảng Ninh đón khoảng 290.000 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu khoảng 400 tỷ đồng; công suất khách sạn 4-5 sao đạt 80-90%. Lào Cai đón khoảng 86.000 lượt, trong đó Sa Pa đạt 74.388 lượt khách du lịch…
Năm nay, du lịch nghỉ dưỡng biển tiếp tục thu hút đông đảo du khách. Trong đó, tỉnh Kiên Giang đón 98.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng khoảng 56,3%; riêng Phú Quốc có 79.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 71,3%. Tỉnh Khánh Hòa đón 98.610 lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, công suất các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt hơn 72,8%, phân khúc cao cấp (4-5 sao) gần như “cháy phòng”.
Ba trung tâm du lịch lớn của cả nước là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cũng tưng bừng đón khách. Trong đó, TP.HCM đón 280.000 lượt khách, Hà Nội đón khoảng 105.000 lượt khách, Đà Nẵng đón 35.000 lượt khách. Đây là tín hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm 2022 cho ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, mở ra triển vọng phục hồi tích cực trong năm 2022.
Doanh nghiệp lữ hành đang đứng ngoài cuộc chơi
Trước hình ảnh những khu du lịch đông kín du khách, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, mặc dù xu hướng du lịch đầu năm chủ yếu là hoạt động tự túc, gia đình, theo nhóm nhỏ, nhưng với việc khách du lịch nô nức du xuân ngay đầu năm mới là tín hiệu vui của ngành kinh tế xanh.
“Người dân đã yên tâm khi du lịch. Điều này cho thấy, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong hoạt động du lịch đang được thực hiện tốt. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể sớm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trước mùa hè năm nay”, ông Bình vui mừng.
Cùng chung niềm vui với ông Bình, song CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cũng bày tỏ lo lắng bởi lượng du khách đông kín tại nhiều điểm du lịch trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng các doanh nghiệp lữ hành lại không thu được gì.
Theo ông Tài, phong trào du lịch tự phát ngày càng mạnh mẽ, khiến các doanh nghiệp lữ hành ở trạng thái “ngồi dự bị” trên sân của một trận đấu sôi động. “Nếu như phong trào này cứ tiếp diễn thì có lẽ du lịch sẽ thịnh vượng trở lại, nhưng không còn sự tồn tại của doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức các tour du lịch nữa”, ông Tài lo lắng.
Tuy du lịch tự túc luôn mang lại tâm lý thoải mái cho du khách vì được chủ động hành trình, chủ động dịch vụ, nhưng CEO VietSense Travel cho biết, đó chỉ là sự ngộ nhận. Bởi lẽ các doanh nghiệp lữ hành là những chuyên gia được đào tạo căn bản về nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm về cung đường tuyến điểm để lựa chọn những hành trình phù hợp nhất, tiết kiệm thời gian cho du khách.
Chưa hết, khi du khách theo tour thì đó là một sự kết hợp hoàn hảo bởi các công ty lữ hành chỉ áp dụng phương thức lợi ích một lần với tỷ lệ rất nhỏ cho cả một chuyến đi trong giá chênh lệch các đối tác dành cho lữ hành và bán cho khách lẻ. Trong khi, du khách tự túc phải mua từng phần dịch vụ tách rời mà mỗi dịch vụ đều chứa đựng một phần lợi nhuận trong giá.
“Thiệt đơn thiệt kép với người tự tạo chuyến đi, hao tiền tốn của và thậm chí không như ý, nhưng du khách liệu có nhận ra?”, ông Tài nhấn mạnh.
CEO VietSense Travel cho rằng, nếu chính quyền không có động thái hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành để họ có thể hưởng lợi từ sự phục hồi du lịch trong thời gian tới, thì có lẽ ngành du lịch Việt Nam sẽ không còn công ty lữ hành và lúc này, miếng bánh lợi ích của du lịch sẽ thuộc về các tập đoàn công nghệ của nước ngoài. Chưa kể, du lịch tự túc còn chứa ẩn nhiều hệ luỵ về tắc đường, kẹt xe, khi mà lượng xe tư nhân đổ về các điểm du lịch quá lớn. Du khách tự túc đến các điểm cũng có thể dẫn đến tình trạng chặt chém, ép giá tại một số địa phương hoặc những tác động về môi trường và vấn đề bảo tồn di sản khi ý thức của du khách còn chưa đồng bộ và tự giác hoàn toàn.