Sau 6 tháng mở cửa trở lại (từ 15/3/2022), du lịch nội địa đã bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như mong đợi.
Khách quốc tế chưa hồi sinh
Ngay sau ngày 15/3, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng trở lại nhưng số lượng không được như mong muốn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua Việt Nam đón trên 1,44 triệu lượt khách quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, TP Hà Nội đặt mục tiêu, đến hết năm 2022 đón khoảng 1 – 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên tính đến tháng 9/2022, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 766.000 lượt khách. Chủ yếu tập trung vào một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Nam Á, lượng du khách từ thị trường có khả năng chi tiêu cao như EU, Mỹ, Úc… còn rất thấp.
Khách quốc tế tham quan Hà Nội bằng xích lô.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu thông tin, mặc dù thị trường khách quốc tế đang dần phục hồi tuy nhiên tốc độ không đồng đều. Một số thị trường gần như Đông Nam Á tăng từ 30 – 200%. Trong khi đó, các thị trường khách châu Âu mặc dù đã dần phục hồi, nhưng thị trường Nga tăng trưởng thấp do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine. Còn thị trường khách Trung Quốc vẫn rất thấp do nước này còn áp dụng chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong Phùng Xuân Khánh cho rằng, mặc dù đã đón nhiều đoàn khách quốc tế nhưng khách đi du lịch thuần không nhiều, chủ yếu là khách đi thăm thân hoặc kết hợp công tác.
“Ngay như khách Hàn Quốc được đánh giá là top 3 thị trường khách đến Việt Nam, nhưng nhiều người trong số họ là thăm thân, kết hợp công việc” – ông Phùng Xuân Khánh nêu ví dụ.
Phân tích nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam đi du lịch thuần túy không tăng như mong đợi, Giám đốc Công ty du lịch AZA travel Nguyễn Tiến Đạt nêu rõ, các đường bay và chuyến bay quốc tế chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch dẫn đến lượng vé khan hiếm, khiến giá vé một số đường bay thậm chí đắt gấp đôi so với thời điểm trước dịch, ảnh hưởng đến lựa chọn của khách.
“Trước đây, giá vé từ thị trường Pháp sang Việt Nam tầm 900 euro nhưng nay lên đến 1.300 – 1.400 euro, vé đắt khiến du khách phải cân nhắc lịch trình” – ông Nguyễn Tiến Đạt thông tin.
Tương tự, Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TST tourist Nguyễn Minh Mẫn nêu rõ, nguyên nhân ngành du lịch phát triển chưa theo kỳ vọng là do chưa có chương trình quảng bá đúng tầm, với các hoạt động mở cửa đón khách quốc tế.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn khách nước ngoài hiện nay chủ yếu do tự thân doanh nghiệp thực hiện, nên độ lan tỏa, hiệu quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Mặt khác, nguồn nhân lực ở nhiều tỉnh, thành vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt khiến việc thu hút du khách gặp nhiều khó khăn.
Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch
Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa trở lại, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu của khách được xem là “chìa khóa”, giúp du lịch từng bước vượt qua khó khăn để nhanh chóng phục hồi, phát triển.
Tại diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 2 năm dịch bệnh, cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình tour theo hướng phát triển du lịch xanh tối đa.
“Ngành du lịch muốn phát triển bền vững cũng phải hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Khách quốc tế tham quan chùa Linh Ứng (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Về vấn đề này Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng thông tin, muốn hút khách quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp thay vì giảm giá dịch vụ nên xây dựng sản phẩm du lịch có chiều sâu, có tính cá biệt hóa cao với nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.
Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, sản phẩm du lịch mới có thể được xây dựng với điểm đến mới hoặc điểm đến cũ, nhưng gia tăng những trải nghiệm mới từ đó tạo ra những phong cách du lịch mới… Sự khác biệt có thể đến từ việc phát hiện những giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch, hoặc được tạo ra từ sự sáng tạo hay liên kết của nhiều doanh nghiệp du lịch.
“Sự khác biệt, đặc sắc của sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường du lịch” – ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ðà Nẵng Cao Trí Dũng hiến kế, đối với nhóm du khách trẻ, năng động, các hãng lữ hành, lưu trú nên tập trung xây dựng những nhóm sản phẩm có tính chất trải nghiệm, check-in theo hướng liên tục làm mới và cập nhật các xu hướng. Với nhóm khách khách quốc tế, cần tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng an toàn, đáp ứng tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, tăng cường trải nghiệm văn hóa địa phương.
Thời gian qua, đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của du khách, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới. Ðơn cử, Hanoitourist đã phối hợp Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò xây dựng tour đêm “Ðêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt”; Hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long ra mắt sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Hội Lữ hành Hà Nội phối hợp Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGREEN triển khai sản phẩm du lịch mới “Caravan Tây Bắc-mùa ban nở” qua đó kết nối Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Với thông điệp “Sản phẩm mới – phong cách mới – trải nghiệm mới”, Flamingo Redtours đang làm mới hàng loạt tour trên cơ sở bổ sung điểm đến, hoặc gia tăng trải nghiệm cho các hành trình. Ðặc biệt, công ty cũng vừa xây dựng bộ sản phẩm chuyên biệt về giáo dục học đường dành riêng cho học sinh theo 4 chủ đề: Giáo dục truyền thống lịch sử; thiên nhiên môi trường; kỹ năng sống; nghệ thuật.
Trong khi đó, Công ty Oxalis đã xây dựng thêm hành trình thám hiểm rừng sâu trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, qua đó tăng cường trải nghiệm của du khách và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.
Ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm cũng chính là yếu tố góp phần làm nên hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế.