Bà Catherine Salois chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy hay làm điều đó, nhưng đây là một trải nghiệm phong phú để hiểu cách sống của đồng bào khi chế tác ra các sản phẩm gốm. Tôi thấy những người phụ nữ làm việc rất chăm chỉ. Cách làm này rất độc đáo, mới lạ, gần như họ đang thực hiện một điệu nhảy khi họ đi vòng quanh để tạo hình. Nếu có một chút âm nhạc thì sẽ rất giống một điệu nhảy”.
Là nghề thủ công lâu đời của người Mnông và Êđê ở Đắk Lắk nhưng hiện nay nghề làm gốm chỉ còn tồn tại duy nhất tại buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk. Số nghệ nhân biết nghề cũng chỉ còn vỏn vẹn hơn chục người, số người đang làm nghề thì còn ít hơn.
Những năm gần đây, với sự phát triển của hoạt động du lịch trải nghiệm, nghề gốm dường như được “hồi sinh”. Nghệ nhân H Phiết Uông, ở buôn Dơng Bắk cho biết nhờ có sự phát triển của du lịch mà ngày càng nhiều người biết đến nghề làm gốm thủ công, buôn Dơng Bắk tiếp đón ngày càng nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Cũng từ đây, có thêm nhiều chị em mong muốn học và giữ nghề.
“Đây là những giá trị từ đời ông bà để lại. Như ngày xưa thì chỉ làm chén bát, nồi niêu, chõ hấp, nồi nấu nước hay hũ đựng gạo. Nhưng bây giờ còn có thêm hình tượng các loài vật như voi, trâu, lợn, bò, rất nhiều hình tượng mới lạ mà mình có thể nghĩ ra và tạo hình được. Nhờ có du lịch, du khách đến và có nhu cầu thì chúng tôi sẽ làm ra sản phẩm như họ muốn”, nghệ nhân H Phiết Uông cho biết.
Không chỉ ở buôn Dơng Bắk tỉnh Đắk Lắk, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa hiện đang là hướng đi được nhiều buôn làng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm, nhằm cụ thể hóa các nội dung theo Nghị quyết số 23 năm 2022 của Bộ Chính trị về Phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đề ra là phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Với hướng đi này, các tỉnh trong khu vực đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ bà con bảo tồn cồng chiêng và các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết cách làm của tỉnh: “Có những cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ mô hình này phát triển, nhất là phát triển theo chiều sâu, gắn với bản sắc văn hóa. Trong đó, cộng đồng các dân tộc ở tại làng bản đó, họ là những chủ thể và chính họ là những người góp phần làm nên sản phẩm du lịch tốt nhất và gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc”.
Với nhiều nỗ lực và các hoạt động phong phú trong năm 2023, du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu hồi phục sau thời gian “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19. Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất tại tỉnh Kon Tum; Tuần lễ Văn hóa, du lịch tỉnh Gia Lai; Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8… đều là những hoạt động lớn, thu hút hàng trăm nghìn du khách. Cả 3 tỉnh trong năm đều đón trên dưới 1,2 triệu du khách, tăng từ 16% đến hơn 22% so với năm 2022.
Cùng với các lễ hội văn hóa, người dân các địa phương đã mạnh dạn tạo ra những sản phẩm du lịch mới từ đặc trưng văn hóa cộng đồng. Những sản phẩm du lịch này dần bắt kịp xu hướng và thị hiếu của du khách.
Nghệ nhân ưu tú A Biu, ở làng Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Để quảng bá về văn hóa Tây Nguyên thì ở nhà, tôi đã làm một điểm du lịch. Động lực chính là nhờ những người xung quanh, bạn bè, anh em, nhất là du khách. Khi họ qua nhà tôi, thì cả gia đình, từ cháu nhỏ cũng cảm âm được chiêng hoặc chơi được cái chèng chèng. Chắc chắn bà con sẽ thấy được sự đoàn kết chặt chẽ trong cộng đồng. Thứ hai là mình cũng khôi phục lại tiếng chiêng, khi bảo tồn văn hóa gắn với du lịch thì không chỉ khách trong nước mà cả du khách nước ngoài họ rất thích”.
Những sản phẩm du lịch từ chính cộng đồng, do người dân tạo ra tại Tây Nguyên đang ngày càng được nhiều người dân và du khách biết đến. Điều này không chỉ tạo ra chuỗi sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch mà còn góp phần bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa vùng Tây Nguyên. Từ đây, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được “đánh thức”, tạo ra sức hút để phát triển du lịch, tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có ở các địa phương vùng Tây Nguyên.