Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cần sớm được vận hành để phục vụ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch
Rục rịch mở tour trở lại
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho hay chính ông là người đã đề xuất thí điểm đón khách đến Cần Giờ khi họp cùng với lãnh đạo UBND thành phố.
Theo ông Kỳ, tính đến ngày 22-9, thành phố đã có hơn 8,9 triệu người đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 và hơn 2,2 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Khoảng 6 tháng sau tiêm chủng người dân rất an toàn. Và khi họ có thể đi du lịch trở lại sẽ mới giúp mở cửa lại hệ thống dịch vụ rồi kinh tế mới hồi phục được. Nếu bắt đầu với du lịch, thành phố có ngay Cần Giờ để phát triển vì rất an toàn, hiện đã là “vùng xanh” trên địa bàn.
Lãnh đạo Vietravel Holdings cũng đề xuất với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước, đặc biệt là cụm trưởng cụm kinh tế Đông Nam Bộ, TP HCM nên chủ động làm việc với 6 tỉnh xung quanh để thống nhất phương thức chống dịch, cùng mở cửa lại thị trường. “Trong lúc chờ kết nối và điều kiện an toàn để thành phố thống nhất với các tỉnh cho khách du lịch đi liên vùng, ngành du lịch thành phố đã đón được một lượng khách nhất định đến Cần Giờ. Nền kinh tế, đời sống dân sinh ở đó đã được hồi phục phần nào” – ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.
Theo Công ty CP Lữ hành Fiditour, tuyến du lịch Cần Giờ nằm trong chùm tour tham quan – văn hóa – lịch sử Biệt động Sài Gòn, đã được doanh nghiệp (DN) khai thác trong kế hoạch phát triển các tuyến du lịch trọng điểm của TP HCM thời gian qua. Trước dịch, công ty tổ chức trung bình mỗi tháng từ 3-4 đoàn khách tham quan tuyến này. Ngày 19-9 vừa qua, công ty cũng thí điểm khai thác trở lại với tour đầu tiên phục vụ 60 khách là lực lượng tuyến đầu chống dịch. “Đây là tour khởi đầu cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế du lịch sau đợt giãn cách ở thành phố. DN cũng sẵn sàng bước vào giai đoạn kích hoạt các tuyến du lịch dự kiến mở thí điểm đón khách trở lại như Phú Quốc, Côn Đảo khi điều kiện cho phép” – ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, nói.
Một số DN khác cũng đang lên kế hoạch mở tour trở lại từ TP HCM tới những điểm đến an toàn, trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước đang sẵn sàng mở cửa trở lại và có kế hoạch đón khách nội tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist, cho hay công ty đã xây dựng 8 sản phẩm du lịch TP HCM với chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm, phù hợp với điều kiện thực tế và sẵn sàng khởi động ngay khi có thể. Các tour gồm cả khu vực nội đô và vùng ngoại ô cho đến những vùng xanh Củ Chi, Cần Giờ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nhân sự bảo đảm 100% có “thẻ xanh” Covid-19, có sản phẩm du lịch để dự kiến trong tháng 10-2021, sẽ triển khai tour đến các “vùng xanh” khi điều kiện đi lại thuận tiện hơn, các tiêu chí về an toàn được thông qua, đặc biệt tình hình dịch sẽ được cải thiện và kiểm soát tốt” – ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
Tour thí điểm đi Củ Chi cho lực lượng tuyến đầu vào cuối tuần qua. Ảnh: QUỐC THẮNG
Đẩy mạnh quảng bá ở những điểm đến an toàn
Ở cấp độ cao hơn, tại diễn đàn về du lịch vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh khi hoạt động du lịch chưa thể trở lại tấp nập, đề nghị các địa phương số hóa các điểm đến, các khu du lịch đưa lên không gian mạng. “Với những địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, phải phối hợp kết nối với hiệp hội du lịch và DN tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, qua đó góp phần làm du lịch “sống” lại. Du lịch phải đứng vững trên đôi chân của mình ở thị trường nội địa và thị trường quốc tế khi có điều kiện” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao nhiệm vụ.
Người đứng đầu ngành du lịch cũng khẳng định quảng bá, xúc tiến du lịch là nhiệm vụ của ngành nên phải nhanh chóng đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động. Phải có quỹ thì mới xúc tiến được hoạt động du lịch. Tổng cục Du lịch phải tham mưu quyết liệt, bài bản hơn nữa để khẩn trương thực hiện việc này.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay Tổng cục Du lịch đang kết hợp với một số DN xây dựng nền tảng kết nối dưới hình thức “Chợ du lịch trực tuyến” giữa các DN du lịch, là nơi kết nối để xây dựng hoạt động du lịch hiệu quả, bền vững.
Để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực du lịch, Bộ VH-TT-DL đã đề xuất giảm thuế, giảm tiền ký quỹ đối với DN lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với DN lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, sẵn sàng phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc… Tuy nhiên, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều điểm nghẽn cần sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ.
Quốc hội tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam
Tại cuộc họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giới thiệu về việc tổ chức hội thảo du lịch năm 2021 ngày 22-9, với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới, bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho biết hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, DN, cơ quan quản lý…đánh giá tác động của đại dịch đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu Covid-19”. Đồng thời, tập trung bàn về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch trong bối cảnh mới.