Chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết (từ ngày 21 đến 26/1), có tới 9 triệu lượt khách du lịch nội địa. Còn trong tháng 1/2023, đã có hơn 800 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là những tin vui của ngành du lịch trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023.
Số lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng 47,5% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó số khách lưu trú ước đạt con số 2 triệu lượt, công suất phòng trung bình ước đạt 40 đến 45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Niềm vui đầu năm Quý Mão
Cũng theo Tổng cục Du lịch, TP Hồ Chí Minh đón 1,7 triệu lượt, trong đó số khách lưu trú đạt 250 nghìn lượt, công suất phòng trung bình đạt 85%. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đón gần 670 nghìn lượt khách, tăng 59,4% so với dịp Tết Nhâm Dần 2022. Tỉnh Khánh Hòa đón 431 nghìn lượt khách, công suất phòng trung bình đạt 77,45%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 650 tỷ đồng. Tỉnh Thanh Hóa đón 428 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, công suất phòng trung bình đạt 31%. Tỉnh Kiên Giang đón gần 340 nghìn lượt khách, trong đó Phú Quốc gần 200 nghìn. Hà Nội đón hơn 330 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.000 tỷ đồng, công suất phòng trung bình đạt 40,3%…
Nhiều điểm đến cũng đã lập kỷ lục về số lượng khách đến tham quan trong những ngày đầu Xuân mới. Tại Hà Nội, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón khoảng 250 nghìn lượt khách; Hoàng thành Thăng Long gần 40 nghìn lượt khách. Tại Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử và chùa Ba Vàng đón khoảng 145 nghìn lượt khách. Tại Lào Cai, Sa Pa đón hơn 80 nghìn lượt khách. Tại Ninh Bình, Khu du lịch Tràng An, doanh thu chỉ trong mấy ngày Xuân đã lên tới gần 550 tỷ đồng…
Có thể nói, ngay trong những ngày đầu năm Quý Mão, hoạt động du lịch đã sôi nổi, hứa hẹn một năm du lịch bùng nổ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong tháng 1, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Các doanh nghiệp du lịch tích cực quảng bá, thu hút khách quốc tế, khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách. Sự nỗ lực chung của các đơn vị đã mang đến một môi trường du lịch lành mạnh trong đầu năm mới Quý Mão.
Nhận diện khó khăn để vượt qua
Tuy nhiên, cùng những tín hiệu khởi sắc thì ngành du lịch vẫn còn một hành trình dài đầy gian nan trước mắt. Bởi so với mục tiêu đề ra trong năm 2023 là đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, đặc biệt là tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng thì “thời điểm vàng” vào dịp Tết Nguyên đán du lịch Việt Nam mới chỉ ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn vì du lịch thế giới cho dù đã phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019 (trước dịch Covid-19). Vì thế, cần rất nhiều giải pháp, rất nhiều nỗ lực để vượt qua.
Đánh giá về bức tranh toàn cảnh của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cho rằng, muốn khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, các địa phương, đơn vị kinh doanh cần phải có chiến lược xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách quốc tế, tăng cường quảng bá. Cũng theo ông Hà, khi tiếp xúc với nhiều đoàn khách quốc tế bản thân ông đã không ít lần nản lòng khi biết một thực tế éo le rằng: bất chấp mọi nỗ lực quảng bá 7 lý do nên đến Việt Nam nhưng khách nước ngoài cũng truyền tai nhau về 7 nỗi sợ khi tới Việt Nam như cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh bẩn, ô nhiễm môi trường.
“Nếu không khắc phục được những yếu kém nội tại của mình, du lịch Việt Nam sẽ còn đối mặt với những khó khăn. Chính phủ đã xác định phát triển du lịch như một ngành kinh tế đóng góp hơn 10% GDP thì cần có các giải pháp hiệu quả hơn, trong đó vai trò quan trọng thuộc về ngành du lịch” – ông Hà bày tỏ.
Ông Hà cũng cho rằng du lịch Việt Nam nên định vị lại thương hiệu quốc gia. Nếu xác định Việt Nam như một điểm đến di sản, thì cách làm không phải là “ăn mày dĩ vãng” mà phải sáng tạo từ di sản, cung cấp trải nghiệm du lịch cao cấp, chân thực và độc đáo.
“Nếu định vị mình là điểm đến thiên nhiên, thì cần cải thiện sao cho có nhiều trải nghiệm mới thú vị hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, thuận tiện hơn. Kinh nghiệm cho thấy, nếu du lịch Việt Nam muốn đón khách có tiền, đi dài, ở lâu, như khách châu Âu, Australia, Mỹ… những người vốn ưa chuộng thiên nhiên và du lịch trải nghiệm thì nên hạn chế cáp treo, giữ đảo nguyên sơ, biển sạch, rừng còn nguyên sinh, điểm đến luôn sạch, đẹp và văn minh. Sự can thiệp thô bạo vào cảnh quan, tạo ra những không gian dễ dãi, rẻ tiền không những phá hoại tài nguyên du lịch mà còn gây định vị sai, hạ thấp thương hiệu điểm đến của Việt Nam” – ông Hà nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, dù còn khó khăn song Việt Nam vẫn có nhiều “cửa” để tăng lượng khách du lịch, đặc biệt, thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc sẽ trở lại trong năm nay. Lượng khách Trung Quốc sẽ mang đến sự khởi sắc cho hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2023. Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu cũng có tín hiệu khởi sắc với sự gia tăng khách đến từ các nước như Anh, Pháp, Thụy Sĩ… Một lợi thế của du lịch Việt Nam là biển, đảo. Tuy nhiên để khai thác tiềm năng có sẵn này ngành du lịch còn nhiều việc phải làm. Dù Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển, hàng trăm bãi biển đẹp, hàng trăm hòn đảo có tài nguyên du lịch, hàng chục thành phố ven biển, nhưng du lịch và du lịch biển đảo Việt Nam vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc, hạ tầng lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch. Vì thế, rất cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa.