Sau một thời gian dài ngưng trệ, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, năm nay, dịp Tết Nguyên đán được coi là cơ hội cho du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, do kiểm soát tốt dịch Covid-9 nên đây chính là thời điểm ngành du lịch tăng tốc. Đặc biệt là với những tour ngắn ngày và du lịch tại chỗ (stay cation).
1. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu tác động mạnh do dịch bệnh Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm sâu, ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 530 nghìn tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, ngành này đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao 22,7%. Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Với đà tăng trưởng đó, bước vào năm 2020, tháng 1, du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục khoảng 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 với các biện pháp phong tỏa gắt gao đã lập tức khiến du lịch “đóng băng” trên phạm vi toàn cầu, và du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Báo cáo của UNWTO cho hay, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt khách. Tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1,1 nghìn tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong năm 2020 du lịch nước ta cũng bị thiệt hại nặng nề. Không những thế, năm qua cũng là năm Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai do thời tiết cực đoan. Trong 2 tháng cuối năm, khu vực miền Trung phải chống chọi với hàng loạt cơn bão (trong tổng số 14 cơn bão trong năm trên phạm vi cả nước). Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch, trong khi miền Trung lại là nơi tập trung nhiều điểm du lịch của cả nước.
Cho dù chúng ta đã chủ động chuyển từ tập trung khai thác khách du lịch quốc tế sang khách nội địa (rõ nhất là vào thời điểm tháng 5 và tháng 9), nhưng theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, khách nội địa cũng chỉ đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
Có thể nói, chưa lúc nào các tour trong nước đa dạng như thời gian qua, với nhiều mức giá, thời gian cho mọi đối tượng khách hàng. Hàng loạt các liên minh kích cầu du lịch được hình thành trong cả nước. Nhưng, thực tế cho thấy, năm 2020 khép lại với ngành du lịch không mấy khả quan.
2. Vào năm 2021, tín hiệu mới sáng sủa dần hiện lên.
Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, Hà Nội ước đón gần 120 nghìn lượt khách (trong đó đa phần là khách du lịch nội địa), tổng thu ước đạt 302 tỷ đồng. Còn tại Quảng Ninh, riêng trong 2 ngày đầu tiên của năm mới đã đón khoảng 142.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng. Con số này tại Lào Cai được ghi nhận vào khoảng hơn 103.000 lượt khách.
Theo bà Phan Thị Thanh Hảo – người tổ chức tour du lịch kết nối TP Hồ Chí Minh – Nha Trang, thì đó cần được coi là tín hiệu tích cực của thị trường, để chúng ta có quyền hy vọng vào một sự bùng nổ trong những ngày Tết Nguyên đán tới đây.
Tương tự, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour, cho biết nhiều chương trình ưu đãi đang được các doanh nghiệp tung ra cho một mùa tour Tết đặc biệt, tour Tết chỉ đi du lịch trong nước. Nhìn chung, giá tour nội địa năm nay giảm từ 15 – 30% so với Tết năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp còn có các sản phẩm tour giảm giá trực tiếp 40%.
Nhiều người kinh doanh tour cho rằng, xu hướng du lịch tại chỗ (stay cation) sẽ rất mạnh trong dịp Tết này, du khách sẽ chọn trải nghiệm bằng những gói giảm giá sâu tại các khách sạn uy tín với giá giảm gần 50% so với trước Covid-19 mà chất lượng không đổi. Đặc biệt điều đó hy vọng diễn ra trong nhóm khách sạn lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long… Đây cũng được coi là xu hướng mới trong việc kích cầu du lịch nội địa.
Đáng chú ý, sự phục hồi của du lịch Việt Nam được thể hiện ở những chặng bay nhộn nhịp nhất thế giới (theo OAG – tổ chức cung cấp số liệu về du lịch, hàng không hàng đầu thế giới). Thống kê của OAG cho biết, với gần 893.000 khách trong tháng, tuyến Hà Nội – TPHCM (vào tháng 11/2020) là chặng bay đông khách thứ hai thế giới, chỉ sau chặng Jeju – Seoul (Hàn Quốc) với hơn 1,3 triệu khách.
Tương tự, tổng kết năm 2020, tạp chí du lịch Lonely Planet của Australia đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân năm 2021 với nhận định: “Nếu chỉ có một quốc gia ẩm thực Đông – Nam Á được coi là “tốt nhất trong những nước tốt nhất” thì đó là Việt Nam”.
Dự báo du lịch trong năm 2021, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Có thể lạc quan mà nhìn nhận rằng, với những nỗ lực của cả đất nước, chúng ta sẽ tiếp tục khống chế Covid-19 và du lịch Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phục hồi sớm so với các nước khác trên thế giới”. Thực tế thì thời gian qua, tranh thủ “vắng khách”, các dịch vụ, điểm du lịch được đầu tư mới, các sản phẩm mới cũng nhiều hơn với chất lượng và cả sự độc đáo, khác biệt, điều đó “kích thích mọi người lên đường trải nghiệm”.
Với những gì đã và đang diễn ra, Tết Nguyên đán năm nay được coi là thời điểm tốt để du lịch bứt phá. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiềm ẩn dịch Covid-19 thì trước hết mỗi người phải tự bảo vệ mình, các tour du lịch phải nâng cao hơn trách nhiệm với khách cũng như công tác y tế phải rất chặt chẽ với tất cả các phương tiện giao thông. Chỉ có như vậy thì bức tranh du lịch nội địa mới sáng lên trong năm mới Tân Sửu này.