Dẫu đón được lượng khách quốc tế vượt kế hoạch mục tiêu cả năm 2023, song ngành du lịch Việt Nam vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức của năm 2024 trong bức tranh khó khăn chung toàn cầu.
Đặc biệt, hậu đại dịch COVID-19, dù được Chính phủ “trải thảm” với nhiều quyết sách thông thoáng hơn thì lãnh đạo ngành công nghiệp “không khói” vẫn chủ động xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch hành động cho chặng đường còn nhiều chông gai phía trước.
Cơ hội nào trong bức tranh khó khăn chung?
Năm 2023, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, du lịch toàn cầu chỉ phục hồi được gần 90% so với thời điểm trước dịch. Trong số đó, khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%; Việt Nam mặc dù tình hình kinh tế-xã hội có xu hướng phục hồi tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, đạt với mức của năm 2019. Tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ không đồng đều ở các khu vực.
Sự bất ổn của tình hình dịch bệnh và đời sống kinh tế cũng sẽ khiến nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tính trải nghiệm và đa dạng, độc đáo.
Đáng chú ý, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành nhiều cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Tại hội nghị tổng kết ngành vừa diễn ra tuần qua, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá giữa bối cảnh có nhiều thách thức, ngành du lịch năm qua cũng đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% kế hoạch và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so kế hoạch năm 2023.
Chiến lược phát triển du lịch VN đến năm 2030 đã đưa ra định hướng phát triển bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng Xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu kinh tế-xã hội.
Du lịch Việt tuy đã bước đầu phục hồi nhưng bước sang năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với những thách thức trong bức tranh khó khăn chung của du lịch thế giới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu tiếp tục diễn biến khó lường từ kinh tế, xung đột khu vực tới biến đổi khí hậu…
Trong nước, dù lạm phát cơ bản được kiềm chế nhưng vẫn còn đó nguy cơ dịch bệnh hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Từ những phân tích, dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cũng như đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia, năm 2024 ngành công nghiệp không khói nước nhà đặt mục tiêu: đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia du lịch cho rằng toàn ngành cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch…
Năm 2024, ngành Du lịch đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, lãnh đạo ngành chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch; xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng Xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam; Đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm; Kế hoạch triển khai các chiến dịch Marketting du lịch theo chủ đề…
Đặc biệt, đối với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu bốn nhiệm vụ.
Thứ nhất, Cục cần tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch…
Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới về ngoại ngữ, công nghệ…
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ./.
Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thẩm định 1.400 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp (tăng 309 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, cấp mới 1.001 giấy phép, cấp đổi 309 giấy phép, cấp lại 5 giấy phép, thu hồi 85 giấy phép. Đến nay cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn.
Cũng trong năm qua, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã cấp 5.758 thẻ hướng dẫn viên, trong đó cấp mới 2.522 thẻ, cấp đổi 3.553 thẻ, cấp lại 33 thẻ. Năm 2023, cả nước có 37.017 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có 21.415 hướng dẫn viên quốc tế, 13.779 hướng dẫn viên nội địa, 1.823 hướng dẫn viên tại điểm.