Bảng chỉ số năng lực phát triển du lịch của WEF. Nguồn: Tổng cục Du lịch |
Báo cáo năm 2021 của WEF đánh giá , chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới; xếp sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Saudi Arabia (tăng 10 bậc).
Trong 17 chỉ số trụ cột, với 112 chỉ số thành phần, xếp theo 5 nhóm, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1 – 35), gồm có: sức cạnh tranh về giá – xếp hạng 15 thế giới; tài nguyên tự nhiên – xếp hạng 24; tài nguyên văn hóa – xếp hạng 25; hạ tầng hàng không – xếp hạng 27; tài nguyên phi giải trí – xếp hạng 29; an toàn, an ninh – xếp hạng 33.
Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là: sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.
Vịnh Hạ Long – 1 trong những địa điểm du lịch Việt Nam có khung cảnh thiên nhiên hoành tráng và tuyệt đẹp. |
Như vậy, trong 17 chỉ số trụ cột, Việt Nam có 13 chỉ số được xếp vào nhóm từ trung bình cao cho đến nhóm dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số tăng hạng, du lịch Việt Nam vẫn còn một vài chỉ số bị sụt giảm, như: Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (giảm 2 bậc); hạ tầng dịch vụ du lịch (giảm 1 bậc); mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (giảm 3 bậc); sự bền vững về môi trường (giảm 2 bậc).
Cũng trong Báo cáo của WEF, 4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất của du lịch Việt Nam đó là: Y tế và vệ sinh, xếp hạng 73; hạ tầng dịch vụ du lịch, xếp hạng 86; mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, xếp hạng 87; sự bền vững về môi trường, xếp hạng 94.