Tăng trưởng khách du lịch
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, sản phẩm du lịch đã thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế nhờ thời tiết thuận lợi, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội sôi động và đổi mới về cách phục vụ… Ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Thanh Hóa, Lai Châu… đều cho thấy lượng du khách tăng trưởng mạnh mẽ.
Ở tỉnh Ninh Bình, chỉ riêng bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã đón gần 600 nghìn lượt khách tham quan, tập trung chủ yếu ở những địa điểm nổi tiếng như cố đô Hoa Lư, Tràng An – Bái Đính, vườn chim Thung Nham. Đặc biệt, tại khu du lịch Tràng An – Bái Đính, lượt du khách đổ về vào những ngày Tết đông đúc khiến phương tiện đi lại như thuyền bè quá tải.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này, chỉ trong dịp Tết Nguyên đán tỉnh đã đón hơn 600 nghìn lượt khách (tăng 48,7%), tổng thu du lịch đạt khoảng 588 tỷ đồng, tăng 51% so với dịp Tết Nguyên đán 2023. Được biết, năm nay, tỉnh Thanh Hóa đã đưa thêm các sản phẩm du lịch mới vào phục vụ du khách, ngoài các giải pháp như xúc tiến, kích cầu du lịch, tổ chức hàng loạt sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao… Các khu, điểm du lịch đều chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Công tác giữ gìn an ninh trật tự được bảo đảm, tình trạng nâng giá, chèo kéo khách đã được hạn chế tối đa.
Sau kỳ nghỉ Tết, các địa điểm du lịch tâm linh, lễ hội đầu xuân nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách. Lễ khai hội xuân Yên Tử 2024 tại tỉnh Quảng Ninh đã thu hút gần 20 nghìn người đến tham dự. Năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội sẽ có các hoạt động văn hoá đặc sắc, như: Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử.
Còn tại Lễ hội chùa Keo ở tỉnh Thái Bình, trong bốn ngày mở hội đã có hơn 120 nghìn lượt khách đến. Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động văn hoá tâm linh gồm cả phần lễ và phần hội, như: Tổ chức trống hội; thổi cơm thi; múa kỳ lân; du thuyền hát hội; thi bắt vịt; biểu diễn múa rối nước… Điểm nhấn của Lễ hội chùa Keo năm 2024 là nghi thức múa rối cạn chầu Thánh được phục dựng sau nhiều năm bị gián đoạn nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách.
Phát triển bền vững
Khởi đầu năm mới, Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ ngành Du lịch. Trong năm 2024, ngành Du lịch sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác. Như vậy, các tỉnh, thành phố, địa phương cần có hướng đi bền vững, xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, phát triển du lịch xanh, du lịch số là một xu hướng tất yếu, đồng thời là yêu cầu cũng như định hướng chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam.
Để chuẩn bị cho mùa du lịch trong thời gian sắp tới, nhiều tỉnh, thành phố đã bắt đầu đưa ra kế hoạch khai thác điểm du lịch mới, đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu khách hàng. Như tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch khai thác 62 sản phẩm du lịch trong năm 2024 để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách và từng bước đưa địa phương này trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”.
Cụ thể, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long sẽ có thêm 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long; phát triển các tour tuyến tham quan lưu trú trên vịnh Bái Tử Long; tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước…