Trao đổi với KTSG Online, nhiều doanh nhân trong ngành du lịch khá thận trọng khi đánh giá về thời điểm phục hồi của ngành kinh tế này, dù nhận định là đã có dấu hiệu lạc quan cho thị trường nội địa và mảng du lịch quốc tế có thể đón khách trở lại trong mùa làm ăn tới.
Mất nhiều năm để quay về đích cũ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026.
Theo đó, chương trình này được chia làm 2 giai đoạn. Từ năm 2022-2023, ngành du lịch kỳ vọng thu hút khoảng 8-9 triệu lượt du khách quốc tế, bằng 45-50% so với năm 2019 và 65-70 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 75-80% so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000-450.000 tỉ đồng, bằng 50-55% so với hồi trước dịch.
Những hoạt động ưu tiên trong giai đoạn này là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch để đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh. Phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch.
Thêm vào đó là tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Thí điểm đón khách quốc tế đến bằng hộ chiếu vaccine tại một số địa phương và đào tạo nguồn nhân lực…
Trong giai đoạn từ năm 2024-2026, đến năm 2025, ngành du lịch kỳ vọng đón khoảng 15-16 triệu lượt du khách quốc tế, khoảng 75-80 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680.000-780.000 tỉ đồng.
Đến năm 2026, lượng khách quốc tế kỳ vọng sẽ đạt khoảng 18 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800.000-900.000 tỉ đồng.
Với mục tiêu này, đến năm 2026, lượng du khách quốc tế và nội địa của Việt Nam sẽ bằng với số lượng đạt được vào năm 2019 nhưng tổng thu từ khách du lịch cao hơn từ 45.000-145.000 tỉ đồng.
Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của mỗi địa phương, mỗi vùng.
Thêm vào đó là ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch quốc gia thuộc các khu vực động lực phát triển du lịch.
Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường liên kết phát triển du lịch và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là trên các nền tảng công nghệ số…
Thời điểm phục hồi vẫn là ẩn số
Trước Tết Nguyên Đán 2022, trao đổi với KTSG Online về việc phục hồi du lịch, nhiều doanh nhân cho rằng khó có thể đưa ra dự báo chính xác.
Tuy nhiên, trước mắt có thể nhận định rằng, trong ba mảng gồm du lịch nội địa, đưa khách quốc tế đến và đưa du khách trong nước ra nước ngoài, mảng nội địa có thể sẽ phục hồi sớm và mạnh mẽ hơn.
“Nếu thị trường cứ tăng trưởng như thế này thì chúng tôi có thể phục hồi mảng du lịch nội địa trong cao điểm hè năm nay”, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel nói vài ngày trước Tết Nhâm Dần.
Những ngày sau đó, thị trường nội địa còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo Tổng cục Du lịch, du lịch đã có được 25.000 tỉ đồng trong 9 ngày nghỉ Tết từ ngày 29-1 đến 6-2. Tổng lượng khách trong thời điểm đó là 6,1 triệu lượt, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú.
Một số doanh nhân cho biết, với thị trường nội địa, lo lắng lớn nhất hiện nay là bùng dịch sau mùa Tết. Nếu số ca nhiễm tăng sau kỳ nghỉ này, có thể một số địa phương sẽ lại áp dụng các biện pháp quản lý du lịch ngặt nghèo khiến thị trường mất đà tăng trưởng.
Với mảng đưa khách ra nước ngoài, việc dự đoán thời điểm phục hồi khó khăn hơn. Về lý thuyết, hiện tại người Việt đã có thể đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới vì đã có rất nhiều điểm đến mở cửa nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản.
Hiện nhiều công ty lữ hành chưa thể tổ chức được tour ra nước ngoài do một số điểm đến vẫn áp dụng chính sách cách ly với người nhập cảnh, chưa có nhiều đường bay hoặc khó xin thị thực.
Vào ngày hôm qua (11-2), một doanh nhân cho biết, trong mấy ngày qua có nhiều khách hỏi về tour nước ngoài, gồm cả tour đến các điểm đến xa như Mỹ, Canada nhưng công ty chưa thể phục vụ vì rất khó xin thị thực.
Như với tour đi Mỹ, doanh nghiệp mới chỉ chào tour thăm thân nhân cho những người đã có thị thực vào Mỹ còn tour du lịch thuần túy cho khách chưa có thị thực thì chưa. Hiện tại, nếu nộp hồ sơ xin thị thực thì cũng phải chờ đến vài tháng mới có thể có lịch phỏng vấn.
Tình hình với du lịch quốc tế, mảng đóng góp phần lớn trong tổng thu của du lịch Việt Nam cũng tương tự. Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó có thể đánh giá khả năng và thời điểm phục hồi vì điểm đến vẫn chưa công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn mảng du lịch quốc tế và một số lý do khác.
Trong thời gian qua, tuy Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhiều lần đề cập là sẽ mở cửa trước ngày 31-3 tới nhưng do chưa công bố chính thức nên doanh nghiệp chưa thật sự chuẩn bị để nối lại thị trường.
Thêm vào đó, nếu Việt Nam mở cửa vào thời điểm nói trên nhưng các chính sách về kiểm soát dịch, kiểm tra y tế không được thực hiện thống nhất và đơn giản, không hồi phục chính sách thị thực như trước dịch thì du lịch cũng khó thu hút khách.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, khó có thể dự đoán là du lịch sẽ phục hồi được bao nhiêu khi mở cửa thị trường quốc tế. Như năm nay chẳng hạn, do có nhiều thị trường vẫn còn đóng nên chỉ có thể hy vọng vào khách từ một số thị trường như Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ… “Tuy nhiên, tôi cho rằng phải có chính sách kiểm soát y tế tương đương với những thị trường đó thì mới có thể thu hút khách”, ông Kiên nói.