Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa kết hợp cùng Tập đoàn Google giới thiệu dự án “Kỳ quan Việt Nam” quảng bá hình ảnh du lịch Việt thông qua kho bảo tàng trực tuyến Google Arts & Culture. Tuy vẫn có những nghi vấn về tính hiệu quả của dự án nhưng nhìn chung, quảng bá du lịch trực tuyến được ghi nhận sẽ là xu hướng du lịch Việt năm 2021.
Du lịch trực tuyến
Sáng kiến quảng bá du lịch thông qua nền tảng Google Arts & Culture – kho văn hóa thu gọn của thế giới, là điểm mới của Tổng cục Du lịch kết hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, đối tác dự án tại Việt Nam.
Dự án trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” giới thiệu đến công chúng 35 triển lãm với 1.369 bức ảnh được nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về cảnh quan thiên nhiên, di sản, văn hóa và con người Việt Nam. Được thể hiện dưới dạng triển lãm trực tuyến, các hình ảnh trong dự án được thực hiện khá kỹ càng. Đây cũng là dự án lớn nhất, đồ sộ nhất quảng bá về văn hóa, du lịch Việt Nam trên nền tảng trực tuyến này.
Với thời gian 3 tháng để các nhiếp ảnh gia thực hiện bộ ảnh trên khắp các tỉnh miền Trung và mất gần 1 năm rưỡi để đội ngũ sản xuất thực hiện biên tập nội dung cho từng khung hình, dự án được kì vọng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Việt Nam rộng rãi hơn trên thế giới.
Tuy là dự án đầu tiên và được xem là khá mới lạ ở Việt Nam, tuy nhiên, trên thế giới điều này không còn quá xa lạ. Thậm chí đặc sắc hơn, nhiều nước đã ứng dụng nền tảng công nghệ này phục hồi những tác phẩm văn hóa đã bị phá hỏng, phục dựng các công trình văn hóa và bảo tồn những tác phẩm có giá trị.
Nhiều ứng dụng tương tác nổi bật hơn cũng được kết hợp linh hoạt và đặc sắc như sử dụng công nghệ VR tái tạo các công trình bị hư hại, ghép mặt với nhân vật lịch sử, tìm tác phẩm giống với ảnh seffie… mang lại trải nghiệm độc đáo cho người dùng.
Nổi bật nhất là chuyến tham quan Bảo tàng Guggenheim tại New York (Mỹ), với tính năng xem góc rộng có thể trải nghiệm cầu thang xoắn ốc Guggenheim nổi tiếng hay thưởng lãm nghệ thuật – thời trang của Mỹ từ năm 1740-1895 tại Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia Washington DC; Bảo tàng Musee d’Orsay (Paris) – trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Pháp trong giai đoạn 1848-1914…
Trong khi đó, theo nhiều đánh giá của các khán giả với “Kỳ quan Việt Nam”, đây vẫn đơn giản là những triển lãm online với những bức ảnh đẹp, nội dung khá đơn giản nhưng chưa đủ chiều sâu để diễn tả tinh hoa của văn hóa Việt.
Cùng với đó, phần lớn những địa điểm được giới thiệu đều là những nơi đã quá quen thuộc như Cố đô Huế, hệ thống hang động tại Quảng Bình, Đà Nẵng… trong khi du lịch Việt còn một mảng rất nổi bật là du lịch đồng quê, du lịch trang trại, du lich cộng đồng gần như chưa được thể hiện nhiều ở đây.
Trong một số bức ảnh như trải nghiệm tại hang động Sơn Đoòng, người tham quan được nghe âm thanh ngay trong hang động khá độc đáo, nhưng lại xuất hiện rất ít trong bộ sưu tập. Những trải nghiệm về âm thanh, ẩm thực, cảm nhận du lịch… bị thiếu hụt cũng chưa đủ để làm thỏa mãn đối với những người thật sự đam mê du lịch.
Mặt khác, so với các triển lãm trực tuyến trên nhiều website của các di tích tại nước ta, hình thức quảng bá du lịch của dự án có phần kém đa dạng hơn. Chẳng hạn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những di tích rất linh hoạt trong việc quảng bá trên các nền tảng trực tuyến, có thể nói là mang đến trải nghiệm thú vị không thua kém so với cảm nhận thực.
Việc kết hợp cả mô hình 3D, công nghệ thực tế ảo kết hợp giọng nói thuyết minh trong từng không gian, hiện vật cụ thể mang lại cho người tham quan cảm nhận sinh động và chân thực.
Xu hướng quảng bá du lịch năm 2021?
Google Arts & Culture có thể xem là cửa sổ văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc khai thác hết tính năng, linh hoạt ứng dụng công nghệ bổ trợ để mang đến một hình ảnh du lịch Việt Nam thỏa mãn người xem cả về phần nghe, phần nhìn và cảm nhận được trọn vẹn nét đẹp đất nước là nội dung cần được phát triển thêm trong dự án này.
Tuy còn nhiều hạn chế về nội dung nhưng nhìn chung, dự án này đã phần nào đáp ứng nhu cầu người xem khi trong thời điểm hạn chế các tiếp xúc cộng đồng. Đặc biệt, dự án cũng đã làm nổi bật nhiều nét đẹp truyền thống trong văn hóa ở Việt Nam, khác biệt với các nước trên thế giới, từ đó góp phần đưa du lịch Việt trở nên đặc sắc hơn.
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink bày tỏ sự ngưỡng mộ với những di sản nổi bật của miền Trung Việt Nam như hang Sơn Đoòng, đô thị cổ Hội An, Kinh thành Huế, những bãi biển tuyệt đẹp ở Đà Nẵng và nhiều món ẩm thực đặc sắc. Đại sứ tin tưởng Dự án hợp tác giữa Google với Tổng cục Du lịch và các địa phương, doanh nghiệp sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Rất nhiều nước có không gian triển lãm trên Google. Tuy nhiên, mỗi nước sẽ có một đặc trưng về văn hoá khác nhau. Ví dụ đèn lồng có thể thấy ở nhiều nước khác nhau nhưng đèn lồng Hội An sẽ có đặc trưng riêng hoặc nón lá, tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á đều có nón lá nhưng nghệ thuật nón lá bài thơ của Huế hay nón lá Trúc Chỉ có Việt Nam đều có nét đặc sắc riêng” – đại diện truyền thông Google Việt đánh giá về điểm khác biệt trong việc xây dựng nội dung về cảnh đẹp Việt trên Google Arts & Culture.
Tổng cục Du lịch cũng đánh giá cao sáng kiến của Google trong việc triển khai dự án triển lãm trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” với những đặc trưng nổi bật về di sản, văn hóa và ẩm thực. Là một nền tảng trực tuyến toàn cầu, Google Artss & Culture sẽ trở thành cầu nối giúp quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam rộng rãi hơn, tiếp cận với mọi khán giả, du khách trên toàn thế giới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: “Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá là một định hướng quan trọng của ngsành du lịch Việt Nam nhằm chủ động tiếp cận và tham gia hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đây có thể xem là hình thức quảng bá hữu hiệu trong mùa dịch Covid, nhất là trong thời điểm Việt Nam còn hạn chế các đường bay quốc tế đón khách du lịch.