Bước vào tháng 7 năm nay, du lịch Việt Nam đón nhận những tín hiệu lạc quan, cho thấy dấu ấn phục hồi mạnh mẽ cả về số lượng khách và doanh thu. Cụ thể, các chỉ số của du lịch Việt Nam cơ bản đã vượt thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hứa hẹn sự đột phá trong những tháng tiếp theo.
Đầu năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Những số liệu thống kê trên đây có thể khiến nhiều người lạc quan. Song nhìn về nửa cuối năm nay, vẫn còn tới gần 10 triệu lượt khách quốc tế…
Trong nửa đầu năm, du lịch Việt Nam được truyền thông quốc tế vinh danh ở nhiều hạng mục như Quốc gia an toàn nhất thế giới để ghé thăm 2024; Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất; Phở Việt đứng thứ hai trong top 20 món nước ngon nhất thế giới hay TPHCM vào top 10 thành phố châu Á đáng đi du lịch nhất… Điều này đã góp phần làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Mặc dù vậy, từ những số liệu tích cực trên, không thể phủ nhận chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh.
Cùng với đó, việc phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở du lịch, chất lượng các loại hình du lịch ở từng địa phương cũng đã giúp gia tăng sức hút của du lịch Việt Nam.
Điều này lý giải dù là mùa thấp điểm du lịch quốc tế, nhưng lượng khách quốc tế trong tháng 6 vừa qua đến Việt Nam vẫn đạt trên 1,2 triệu lượt khách, cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một tín hiệu tích cực của thị trường du lịch quốc tế.
Bên cạnh việc tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch tại nhiều thị trường quốc tế như Paris (Pháp), Milan (Italy) và Frankfurt (Đức), Seoul (Hàn Quốc)… để tiếp tục thu hút khách quốc tế, thì bản thân các địa phương cũng có nhiều cố gắng khi tăng cường làm mới các sản phẩm du lịch, đồng thời có nhiều chính sách thu hút du khách.
Hà Nội, TPHCM, và Khánh Hòa là ba trong số rất nhiều minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia du lịch cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến du lịch nhiều hơn nữa, đưa ra những sản phẩm du lịch mới nhiều hơn để thu hút và đáp ứng nhu cầu du khách, qua đó thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Lấy ví dụ như Thủ đô Hà Nội, năm 2024, thành phố phấn đấu đón trên 27 triệu lượt khách, trong đó có trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 21,5 triệu lượt khách nội địa.
Dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023… Muốn vậy, Hà Nội cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch để du khách chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Việc mới đây ngành du lịch Hà Nội khởi động mô hình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội” năm 2024 là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Những tháng còn lại của năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung tổ chức các chương trình, sự kiện như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024; chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội; chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội; Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024…
Mỗi tỉnh thành đều cố gắng, sẽ tạo nên bức tranh chung của du lịch Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024. Và chỉ có cố gắng, thì du khách mới cảm thấy hài lòng, mới sẵn sàng chi tiêu, và sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người thân, thậm chí quay trở lại.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần cải tiến cách thức, hướng tới các phân khúc khách du lịch cao cấp. Họ là những đối tượng cần được “chăm sóc” đặc biệt. Chẳng hạn, khách Ấn Độ được đánh giá sẽ trở thành thị trường du lịch lớn trên thế giới bởi đây là nước đông dân thứ 2 thế giới.
Với Việt Nam, đây là thị trường còn nhiều dư địa phát triển.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), tổng chi tiêu của khách Ấn Độ ra nước ngoài khá cao. Đối với người có khả năng chi trả trung bình, khi đi du lịch, khách Ấn Độ thường chi khoảng 150 – 200 USD/ngày/người (gồm vé máy bay nội địa nước đến, khách sạn 4 sao, các điểm tham quan, hướng dẫn viên và phương tiện di chuyển).
Người có thu nhập cao hơn thường chi từ 200 – 250 USD/ngày/người để có thể tận hưởng dịch vụ tiện nghi hơn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khách Ấn Độ thích khám phá những điểm đến mới. Họ yêu thích mua sắm, tham gia các hoạt động ngoài trời, tham quan bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử. Bên cạnh sở thích ở resort đẹp, khách Ấn Độ cũng thích tiêu dùng, ăn uống, dự tiệc.
TS Đinh Đức Quang, Công ty du lịch Nikatour Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận), cho rằng Ấn Độ là thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng cũng khó tính và có đặc thù riêng, nhất là về ẩm thực, tôn giáo. Hiện tại, thị trường này có nhiều yêu cầu đối với nhóm MICE gồm tiệc cưới, quay phim, chơi golf…
Trong đó, du lịch cưới là một phân khúc rất hấp dẫn. Các cơ sở lữ hành cần chú ý xây dựng sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách Ấn Độ như: Khách đi tour trọn gói theo nhóm; gia đình giàu có, thành thị; khách đi một mình; khách nữ và khách du lịch cao cấp, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt nhất…
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đón 25 – 28 triệu lượt khách quốc tế. Đồng thời, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới.
Để đạt được điều này, giới chuyên gia cho rằng, chúng ta cần khắc phục nhanh chóng một số vấn đề còn tồn tại như: thiếu “nhạc trưởng”, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nơi vẫn “mạnh ai nấy làm”, quản lý điểm đến chưa thật sự hiệu quả…
Ngoài ra, bên cạnh con số, ngành du lịch cần quan tâm tới chất lượng khách. Nếu khách đến từ các thị trường giàu có, chi tiêu nhiều, ở lâu sẽ là điều tốt.
Ngược lại, nếu phần lớn khách đến qua các tour giá rẻ và không mua sắm thì số lượng khách đến nhiều cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo thống kê, Hàn Quốc và Trung Quốc là hai thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, chiếm hơn 47% thị phần. Trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với hơn 2,2 triệu lượt khách ghé thăm, chiếm gần 26% và Trung Quốc chiếm hơn 21% thị phần.
Kết quả phân tích xu hướng du lịch trong quý III/2024 do tập đoàn Kyowon Tour Travel Easy công bố ngày 8/7 cho hay, Việt Nam đứng đầu trong số các điểm đến du lịch nước ngoài ưa thích của người Hàn Quốc, vượt qua cả Nhật Bản. Cụ thể, Việt Nam vượt lên trên Nhật Bản với tỷ lệ đặt chỗ 13,7%, cao hơn so với 13,2% của Nhật Bản; tiếp đến là Trung Quốc với tỷ lệ 11,7%