Nhu cầu tuyển dụng tăng
Bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cho biết, trường nhận được hàng loạt “đơn hàng” từ các đối tác quốc tế đối với nghề bếp, phục vụ nhà hàng, hướng dẫn viên, lễ tân… Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ đào tạo miễn phí, bao tiêu đầu ra.
Chẳng hạn, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đang triển khai dự án tư vấn, hỗ trợ các cựu học viên (không giới hạn số lượng) có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đầu bếp, nhà hàng, khách sạn. Người dự tuyển yêu cầu đã tốt nghiệp trung cấp nghề bếp, nhà hàng, khách sạn; ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong ngành đã học, dưới 45 tuổi. Lương khởi điểm khoảng 43 triệu đồng/tháng.
Hay như Công ty tuyển dụng R.P Solutions (Pháp) tuyển dụng quanh năm không giới hạn số lượng, riêng dịp hè này cần 200 lao động, độ tuổi 20-40 cho các ngành bếp, nhà hàng, khách sạn. Tương tự, thị trường Australia cũng tuyển gấp nhiều vị trí, yêu cầu tiếng Anh IELTS 4.5 trở lên, từ 20-34 tuổi, lương khởi điểm khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Thông tin từ Công ty Lữ hành Vietravel, đơn vị này dự kiến bổ sung khoảng 700 người, gồm hướng dẫn viên, nhân viên kinh doanh, điều hành, công nghệ thông tin… Các vị trí như hướng dẫn viên, nhân viên công nghệ thông tin là người đang hành nghề. Riêng nhân viên kinh doanh, nhân viên điều hành, Vietravel mất 3-4 tháng đào tạo và thử việc, sau đó mới có thể bắt tay vào làm việc. Đại diện Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà (Hồng Ngọc Hà Travel) cũng cho biết đang tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự tổ chức, phục vụ khách đoàn, khách doanh nghiệp, hỗ trợ visa… để sẵn sàng đón làn sóng du khách “bùng nổ” sắp tới.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết, ngoài khách nội địa, 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam gần 192.400 lượt, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Dự tính từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ lần lượt tiếp nhận các đoàn khách quốc tế lớn đến từ nhiều thị trường, nên việc giữ chân lao động cũ, đào tạo và tuyển thêm người mới đang được nhiều doanh nghiệp du lịch tăng tốc thực hiện.
Phối hợp, liên kết đào tạo
Hướng dẫn viên nói riêng, những người làm du lịch nói chung được xem như “linh hồn” của doanh nghiệp lữ hành. Nếu may mắn trong hành trình du lịch được gặp một hướng dẫn viên giỏi, có tâm với nghề, du khách sẽ được trải nghiệm chuyến đi với cảm xúc thăng hoa. Ông Thi Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm khách lẻ của BenThanh Tourist thừa nhận, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thời gian qua nhiều người làm du lịch phải chuyển nghề, nhất là hướng dẫn viên.
“Sản phẩm du lịch rất đặc thù, thậm chí cùng tour, cùng đoàn nhưng cảm nhận của khách hàng cũng rất khác biệt do mỗi hướng dẫn viên có cách truyền tải thông tin khác nhau. Vì vậy, để đào tạo được hướng dẫn viên giỏi là cực kỳ khó. Các bạn trẻ phải có nhiều thời gian vừa làm vừa học, chứ không thể cấp tốc đào tạo trong thời gian 5-12 tháng. Cái mà ngành du lịch cần chính là người làm du lịch thật sự giỏi, mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời”, ông Thi Quốc Duy nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới. Cụ thể là phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng thêm các khoa nghiệp vụ du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương.
Còn bà Trần Thị Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà, dự báo, ngành du lịch tiếp tục “nóng” trong thời gian tới, đồng nghĩa với cơ hội việc làm, thu nhập gia tăng cho người lao động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, du lịch cũng là ngành mang tính sàng lọc cao, đòi hỏi người làm nghề không những giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải thực sự trách nhiệm và yêu nghề.