Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 7 tháng năm nay có 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt kế hoạch cả năm nhưng khách quốc tế chỉ hơn 950.000 lượt, đạt khoảng 15% kế hoạch. Như vậy, mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay khả năng không đạt được. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã được triển khai nhưng còn gặp khó khăn, tính chất cạnh tranh còn ở mức thấp. Thời gian miễn thị thực theo Luật Xuất nhập cảnh hiện nay là 15 ngày, chưa phù hợp với nhu cầu lưu trú dài ngày từ 3 – 4 tuần của du khách quốc tế từ châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…
Hiện Bộ Công an đã cấp thị thực điện tử cho công dân khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ; miễn thị thực cho 25 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng khôi phục, mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… để không bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Đồng thời tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu từ 15 ngày lên 30 ngày. Áp dụng thị thực xuất – nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch. Giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Miễn lệ phí thị thực có hiệu quả không?
Cho rằng việc mở rộng diện miễn thị thực rất khó vì liên quan nhiều bộ ngành, Chủ tịch Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ mới đây đề xuất phương án miễn lệ phí thị thực cho khách vào Việt Nam với chi tiêu tối thiểu 20 triệu đồng, cùng với đó phải đơn giản hóa tối đa thủ tục xuất nhập cảnh.
Theo ông Mỹ, chi phí này có thể lấy từ ngân sách như một cách tiếp thị mới. “Nếu chi 600.000 đồng (khoảng 25 USD) lệ phí thị thực để có 20 triệu đồng doanh thu tour du lịch, tại sao phải do dự?”, ông nêu vấn đề.
Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cũng đề xuất 2 giải pháp là mở rộng chế độ miễn thị thực và miễn phí thị thực cho quốc gia và vùng lãnh thổ là các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Nha Trang Hồ Văn Tín cho rằng, chuyện giảm hay miễn lệ phí thị thực chưa phải là vấn đề quan trọng và cũng chưa chắc đã có hiệu quả. Thay vào đó, cần đơn giản hóa và chuyên nghiệp hóa các thủ tục trong việc cấp thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để từ đó tạo sự thoải mái, thuận lợi cho du khách. Đồng thời, tăng số ngày tạm trú cho khách ở các thị trường xa từ 15 ngày lên 30 ngày.
PGS.TS. Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch cho rằng, quan trọng nhất vẫn là mở rộng diện miễn thị thực với khoảng thời gian hợp lý. “Muốn mở rộng diện miễn thị thực, quan trọng là phải nâng năng lực quản lý khách, năng lực chính quyền tại các điểm đến, bảo đảm giữ gìn được trật tự trị an, an ninh quốc phòng”, ông nói.