Sáng 19/1/2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Du lịch và các đơn vị du lịch Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo”, kết quả của ngành du lịch thành phố năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025.
Ngành du lịch xây dựng 3 kịch bản phát triển
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Riêng tại Hà Nội, năm 2020, khách quốc tế và nội địa sụt giảm mạnh khiến đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng chung của Hà Nội chỉ còn hơn 3% (năm 2019 là hơn 12%).
“Tôi nhấn mạnh rằng, sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với tăng trưởng của thành phố trong năm 2021, dù là kịch bản cơ sở tăng 7,5% hay các kịch bản khác” – Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, dự báo du lịch thế giới phải 2,5 đến 4 năm mới phục hồi lại được như năm 2019, nên năm 2021 để tăng trưởng được, ngành du lịch phải dựa vào khách nội địa. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Thủ đô hiện nay rất hạn chế: Du lịch làng nghề trọng điểm như Vạn Phúc chưa rõ; điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gần như “dậm chân tại chỗ”; không có địa điểm “Outlet” nào, thiếu địa điểm vui chơi, giải trí tầm cỡ; chưa tổ chức được sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế mang tính thương hiệu… Kết quả thực hiện những giải pháp lâu dài theo Nghị quyết số 06-NQ/TU cũng còn nhiều thiếu sót, chưa đạt yêu cầu.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, giai đoạn 2016 – 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân đạt 10,1%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 17,6%/năm, trong đó năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng. Công suất sử dụng buồng phòng năm 2019 cũng đạt 67,9%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, du lịch Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD.
Năm 2021, ngành du lịch Thủ đô xây dựng 3 kịch bản phát triển; trong đó, đặt kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, phấn đấu thu hút 15,34 triệu lượt khách nội địa, bằng 70% năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020.
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, tài nguyên du lịch của Hà Nội rất phong phú và có nhiều nét đặc trưng, nổi bật. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để khai thác hết tiềm năng, dư địa sẵn có và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Hà Nội còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch. Để khắc phục, thành phố phải tạo ra những sự kiện mang tính thương hiệu riêng; tập trung phát triển du lịch MICE (Meeting, Incentive, Conference, Event – du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, sự kiện); xây dựng một trung tâm triển lãm, hội chợ lớn; tổ chức một trung tâm giới thiệu ẩm thực…
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, phải làm sao để cho người Hà Nội du lịch ngay tại Hà Nội mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều. Ngoài ra, Hà Nội cần xây dựng một gói sản phẩm du lịch năm 2021, chia ra để tháng nào cũng có sự kiện thu hút du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, sẽ gắn kết văn hóa thể thao với du lịch, trong đó mong muốn giải Marathon tại Hà Nội sẽ trở thành giải đẳng cấp thế giới…
Tập trung mọi nỗ lực để thu hút khách nội địa
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng: “Việc tái cơ cấu lại ngành du lịch của Hà Nội trong điều kiện mới sẽ gặp thách thức hơn rất nhiều và nếu không hành động quyết liệt, ngay và nhanh sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của thành phố từ 7,5 – 8% trong năm 2021. Qua đại dịch mới bộc lộ ra các yếu điểm của du lịch Hà Nội từ môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp và nhất là sản phẩm du lịch, quản lý nhà nước về du lịch”.
Trên cơ sở đó, Bí thư Vương Đình Huệ chỉ đạo, trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội phải lập kế hoạch phục hồi du lịch năm 2021 trên tinh thần tập trung mọi nỗ lực để thu hút khách nội địa về với Hà Nội và tổ chức cho khách Hà Nội đi tham quan, du lịch ngay trong thành phố; tận dụng cơ hội tổ chức SEA Games và Para Games; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, triển lãm tầm cỡ quốc gia, quốc tế…
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngành du lịch phải chuẩn bị tâm thế để khi hết dịch Covid-19, mở cửa trở lại thì Hà Nội đã có những sản phẩm du lịch đẳng cấp khác để thu hút khách quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động du lịch; rà soát, tính toán lại các loại giá, phí tham quan, phân biệt rõ đối tượng miễn, giảm và mức giá hợp lý với các đối tượng khác, làm sao để không phải bù lỗ, không làm giảm giá trị di tích, danh lam, thắng cảnh…
Đồng thời, đẩy mạnh du lịch học đường, mở thêm các tour, tuyến du lịch đường sông, du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; nghiên cứu xây dựng con đường du lịch xuyên thành phố; hình thành các làng ẩm thực, phố ẩm thực; thúc đẩy du lịch làng nghề; thực hiện dự án Ki-lô-mét số 0; phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ; kết nối các ngành kinh tế khác như văn hóa, công thương, nông nghiệp… với du lịch.
Nhắc lại mục tiêu năm 2021 của ngành du lịch Hà Nội là phấn đấu đạt từ 50 – 70% lượng khách nội địa của năm 2019, Bí thư Thành ủy đề nghị ngành phấn đấu đạt mức cận trên là 70%./.