Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” nhằm đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế.
Do vậy, Cục Hàng không kiến nghị áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine” với khách nhập cảnh. Theo đó, khách đã được tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 sẽ được nhập cảnh Việt Nam và giảm đến mức tối thiểu thời gian cách ly tập trung.
Cũng theo Cục Hàng không, việc sớm triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” còn giúp đảm bảo tính chính xác của thông tin hành khách, hạn chế làm giả dữ liệu, cho phép tìm kiếm, truy xuất nhanh thông tin.
Cùng đó, việc trích xuất dữ liệu qua dạng QR code khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp ưu việt nhằm giúp việc xác thực thông tin nhanh chóng cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho khách du lịch.
Đồng thời, nếu một hệ thống công nhận chung được hình thành giữa các quốc gia, việc di chuyển và đi lại của hành khách giữa các nước sẽ trở nên cực kỳ thuận lợi và nhanh chóng cho hành khách cũng như cho cơ quan chức năng tại hai quốc gia mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Tuy vậy, Cục Hàng không cũng nhấn mạnh, “hộ chiếu vaccine” vẫn có hạn chế là vaccine ngừa COVID-19 không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ hoặc ngay lập tức. Có nghĩa là tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm COV1D-19. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, cùng như thời gian có hiệu quả của từng loại vắc xin khác nhau.
Ngoài ra, để “hộ chiếu vaccine” có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, cũng như liên kết hệ thống. Việc này đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.