• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Hiến kế để kích cầu du lịch Việt phát triển

    Thứ ba, 14-02-2023 / 9:43:47 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    233 Lượt xem

    Các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch phải được thực hiện bài bản và cần có sự liên kết của các ngành.

    Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, muốn đưa ngành du lịch lên một tầm cao mới, ngành du lịch cần phải tháo gỡ các rào cản về chính sách visa, thuế, xúc tiến du lịch… Những tháo gỡ này sẽ tạo động lực phát triển du lịch nội địa, đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế đến với TP.HCM nói riêng và Việt Nam (VN) nói chung.

    Cần tiếp sức cho người làm du lịch

    Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Viettravel, cho rằng: Sau dịch, doanh nghiệp (DN) du lịch chỉ mới dừng lại ở các tour nội địa, khoảng biên lợi nhuận về mảng này rất thấp. Đây là thời điểm DN tập trung đẩy mạnh thị trường khách inbound (khách quốc tế đến VN) và outbound (khách Việt đi du lịch nước ngoài).

    Hiến kế để kích cầu du lịch Việt phát triển ảnh 1
    Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đang thiếu và yếu. Ảnh: T.TRINH

    Theo bà Phương Hoàng, trong giai đoạn này DN còn nhiều khó khăn, ngành chức năng làm sao hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay để có dòng tiền. DN cần được tiếp sức để tiếp tục đứng vững.

    Ông Lý Việt Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng đánh giá những năm gần đây TP đầu tư rất nhiều sản phẩm du lịch cho DN lữ hành, trong đó Sở Du lịch TP tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến và liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

    “Tuy nhiên, theo tôi, TP đang định hướng gắn tìm sản phẩm mới để đáp ứng thị trường nhưng vẫn chưa tìm ra sản phẩm đặc trưng. TP nên lập ra hội đồng hoặc một ban bao gồm nhiều chuyên gia có chuyên môn về du lịch TP.HCM để nhanh chóng tìm ra sản phẩm du lịch đặc trưng. Hội đồng hoặc ban sẽ đánh giá nhiều sản phẩm và đưa ra sản phẩm mang tính “đặc sản” cho TP.

    Chúng ta xem đó là những sản phẩm chung. Những DN du lịch ở TP.HCM phải bán được sản phẩm chung đó. Khi bán được, họ có lời thì tự động sản phẩm này sẽ được “thổi lên”” – ông Cường nói.

    Chiến thuật: “Thả con tép bắt con tôm”

    “Du lịch VN cũng như TP.HCM là chiếc bánh có sẵn nguyên vật liệu, cần một người thợ cả lành nghề và có tầm ảnh hưởng để tập hợp chuyên gia quyết định” – ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận định.

    Về vấn đề visa, ông Mỹ cho rằng chúng ta đừng xem visa như một chiếc đũa thần. Chúng ta phải xem xét nếu miễn visa thì doanh thu tăng được bao nhiêu. Miễn thị thực thì rất khó,vì liên quan đến nhiều chính sách, nhiều bộ, ngành, cứ bình thường không cần miễn.

    “Du lịch VN cũng như TP.HCM là chiếc bánh có sẵn nguyên vật liệu, cần một người thợ cả lành nghề và có tầm ảnh hưởng để tập hợp chuyên gia quyết định.”

    Ông Nguyễn Văn Mỹ

    “Cứ giữ nguyên visa nhưng mà lấy ngân sách quốc gia hoặc công ty du lịch tự chịu. Ví dụ, visa có 25.000 đồng mà người Mỹ tới VN ở một tuần lễ sẽ chi đến mấy ngàn USD. Tại sao mình không “thả con tép bắt con tôm?”” – ông Mỹ đề xuất.

    Để hút khách nước ngoài tới VN cũng như TP.HCM, ông Mỹ cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ tất cả dịch vụ phục vụ khách nước ngoài, như cần miễn thuế đến tháng 6-2023.

    Ông Mỹ nhận định khách tới TP.HCM không cần đông hơn nữa, trước mắt tập trung vào khách chi tiêu nhiều hơn, dài ngày hơn. Để khách chi tiêu nhiều hơn phải có sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là du lịch đêm.

    “Một sáng kiến khác cho TP.HCM, tôi đề nghị biến kênh Nhiêu Lộc thành “song hoa”, có nghĩa là hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa thành phố đi bộ. Từ tên đường ánh lên tinh thần yêu nước, yêu biển đảo, nó sẽ đẹp như một “Singapore” thứ hai” – ông Mỹ góp ý.

    TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng: Ngành du lịch ăn theo sự phát triển hạ tầng của đất nước, sân bay mở rộng, đường sá và cao tốc. Tuy nhiên, một hạ tầng rất quan trọng mà khi nói đến du lịch VN người ta sẽ nghĩ đến du lịch biển, chúng ta cần một cảng biển chuyên về du lịch chứ không phải một cảng hỗn hợp như cảng hàng hóa.

    Ngoài ra, theo ông Lương, VN đang có lợi thế hơn với các nước trong khu vực về di sản văn hóa nhưng khi khai thác lại chưa nghĩ đến câu chuyện bảo tồn và tái bảo vệ nguồn tài nguyên. “Tôi đề nghị cho phép ngành du lịch sử dụng một phần kinh phí trong thu nhập ngành du lịch để quay lại làm tốt công tác bảo tồn. Chính phủ cho phép một cơ chế như vậy thì nguồn tài nguyên này sẽ được bảo tồn và phát triển” – ông Lương đề nghị.•

    Ông NGUYỄN MINH MẪN, Giám đốc truyền thông TST Tourist:

    Biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch

    TP.HCM có tài sản vô giá là hệ thống sông rạch đi qua nhiều quận, huyện. Do đó, TP cần làm sạch và khơi thông, đặc biệt nâng cao ý thức vệ sinh môi trường đô thị của toàn TP để biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch. Sông Sài Gòn là nơi đầu tiên cần tập trung đầu tư chuyên nghiệp, đẳng cấp về hệ thống bến bãi, thuyền, du thuyền, dịch vụ trên sông và ven sông.

    Cạnh đó, chiến thuật thu hút khách bằng trải nghiệm cuộc sống về đêm cần thực hiện bằng việc quy hoạch và phát triển kinh tế đêm ở các khu vực phù hợp, gắn với việc xây dựng thương hiệu “TP không ngủ” để tạo điểm nhấn.

    Năm 2023, tôi kiến nghị ngành du lịch phát triển công tác quảng bá thương hiệu du lịch TP.HCM và hệ thống sản phẩm, hướng đến mục tiêu thu hút du khách lưu trú một đêm, trải nghiệm “TP không ngủ” và tham gia các điểm đến hấp dẫn tại sự kiện trong và ngoài nước.

    Hiến kế để kích cầu du lịch Việt phát triển ảnh 2
    TP.HCM có lợi thế về kết nối sông rạch rất thuận tiện. Ảnh: HOÀNG HIẾU

    Ông TỪ QUÝ THÀNH, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang:

    Cần “nhạc trưởng” phát triển kinh tế đêm

    Trong thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện các chính sách quảng bá du lịch rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề. Cụ thể, về đường thủy, TP.HCM có rất nhiều kênh rạch nhưng phát triển chậm. Chẳng hạn, du khách du lịch khi lên bờ lại không biết đi đâu. Do đó, TP.HCM xây dựng nhiều điểm trung chuyển từ các bến đường thủy, tạo điều kiện cho DN đầu tư các bến thủy.

    Bên cạnh đó, để hoạt động kinh tế đêm thu hút khách du lịch thì những phố đi bộ, chợ đêm phải có quy hoạch rõ ràng. Địa phương tự mở e rằng sẽ không đảm bảo vấn đề quảng bá du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… Do đó, cần một “nhạc trưởng” đứng đầu, kết nối, quyết định xây dựng các hoạt động kinh tế đêm bài bản.

    Hiện DN và người dân đã sẵn sàng, chúng tôi đang cần cơ quan nhà nước đồng bộ, hành động cụ thể, thực tế chứ không theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, đến khi đô ráp vào lại không khớp.

    Nguồn : Pháp Luật TPHCM
    Tin mới