Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng, là sức mạnh mềm trong giao lưu, hợp tác quốc tế và phát triển đất nước.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ để giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn là phương thức hữu hiệu để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trước xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thì mô hình hợp tác công – tư đang được các nhà khoa học, các nhà quản lý đặc biệt quan tâm.
Hướng đi đúng đắn
Hợp tác công – tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản có thể hiểu là sự bắt tay, đồng thuận của Nhà nước và doanh nghiệp để cùng nhau bảo vệ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của di sản.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, hợp tác công – tư (đầu tư công, quản trị tư) trong lĩnh vực văn hóa mang lại nhiều lợi ích to lớn bằng cách kết hợp sự hỗ trợ từ nguồn tài chính công và khả năng quản lý linh hoạt của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển, duy trì hoạt động văn hóa.
Mô hình này sẽ có khả năng huy động các nguồn lực xã hội, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân; sự tham gia của cộng đồng trong việc tạo lập, cải thiện thu nhập gắn với bảo tồn di sản văn hóa; mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc duy trì và phát triển hoạt động văn hóa, nhất là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh.
Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cần có nhiều nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: Hữu Hùng |
Hơn thế, điểm nổi trội của mô hình này là huy động được sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và lợi ích gắn bó giữa các bên; giải quyết vấn đề quản lý, khai thác di sản kém hiệu quả, giúp phát triển du lịch văn hóa một cách bền vững.
Hợp tác công – tư không chỉ huy động nguồn lực tài chính, kiến tạo nhân lực, tài nguyên tự nhiên, học hỏi kinh nghiệm quản trị, mà còn là phương thức cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy giá trị di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững; giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ở đó, vấn đề bảo tồn di sản là cốt lõi, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách; còn người dân trong khu vực di sản là chủ thể bảo tồn và phát huy; các doanh nghiệp chính là nguồn lực/động lực để biến các di sản trở thành tài nguyên/tài sản để phục vụ mục tiêu phát triển, nhất là đối với hoạt động du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay.
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay Việt Nam có 33 di sản được UNESCO công nhận (bao gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu). Đây được xem là nguồn tài nguyên/tài sản quý giá nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bởi một khi số lượng di sản được thế giới ghi danh ngày càng nhiều thì càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch, trong đó nhu cầu tham quan di sản của du khách là “cú hích” thúc đẩy đáng kể.
Thời gian qua, Chính phủ đã cùng với khối doanh nghiệp tăng cường đối thoại, hợp tác giữa khu vực công – tư nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Đến nay, mô hình này đang được thực hiện tại một số nơi như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)…, thu hút được tiềm lực mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của cộng đồng cũng như đội ngũ quản lý, chuyên gia giỏi.
Qua đó, giúp các doanh nghiệp, cộng đồng sở hữu di sản tiếp cận, học hỏi cách quản lý, quản trị và cung cách điều hành tiên tiến trên thế giới; từng bước nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, đây là hướng đi đúng đắn, góp phần tạo ra sự đa dạng cho sản phẩm du lịch, quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản cho người dân địa phương.
Áp dụng vào Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Theo Cục Di sản văn hóa, trong số 15 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đến nay đã có một số địa phương áp dụng mô hình hợp tác công – tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Tiêu biểu như Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh… đã huy động được các nguồn lực mạnh mẽ thông qua các trung tâm, câu lạc bộ được cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà họat động xã hội đầu tư, thực hành thường xuyên và ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng.
Diễn tấu cồng chiêng trong Ngày hội văn hóa Buôn Đôn được xem là sản phẩm du lịch đặc thù. |
“Việc áp dụng mô hình hợp tác công – tư chủ yếu mới được thực hiện đối với các di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên. Còn với các di sản văn hóa phi vật thể thì một số địa phương cũng đã quan tâm nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể, nhất là các địa phương sở hữu các di sản ít có khả năng khai thác để phát triển du lịch”. TS. Bùi Thị Kim Chi
|
Vậy có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo đường hướng này? Vấn đề đã được các nhà khoa học, quản lý văn hóa bàn thảo nghiêm túc tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên” được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào cuối tháng 8 vừa qua. TS. Bùi Thị Kim Chi (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Mô hình hợp tác công – tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cũng đã bắt đầu manh nha tại một số địa phương như Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Lắk thông qua các câu lạc bộ cồng chiêng do những nghệ nhân, cộng đồng buôn làng và doanh nghiệp, nhà tài trợ đứng ra thực hiện. Tiêu biểu như những chương trình “Trải nghiệm cồng chiêng cuối tuần” (tại TP. Pleiku – Gia Lai), “Âm vang đại ngàn” (TP. Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk), “Giai điệu Lang Bian” (huyện Lạc Dương – Lâm Đồng)… Ở đó mọi nguồn lực được huy động và phát huy trên tinh thần hợp tác, trách nhiệm và chia sẻ lợi ích có được từ sản phẩm du lịch liên quan đến di sản văn hóa cồng chiêng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng) nêu quan điểm: Di sản luôn thuộc về quốc gia, dân tộc nhưng quản lý, khai thác và phát huy như thế nào cho hiệu quả thì cần có cơ chế linh hoạt và phù hợp. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; đồng thời để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.