Cụ thể, các quốc gia thành viên sẽ gửi tối đa 8 làng ứng cử viên. Hạn đăng ký là ngày 24/4, việc công bố danh sách các làng được chọn sẽ diễn ra vào quý III hằng năm.
Năm 2023, “Làng Tân Hóa, mô hình du lịch thích ứng thời tiết” tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình của Việt Nam với điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc sắc đã vinh dự nhận Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất”.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, làng Tân Hóa cách thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình 130 km, cách trung tâm du lịch Phong Nha 70 km. Làng nằm lân cận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, có điều kiện thiên nhiên, tự nhiên độc đáo, gìn giữ được sự mộc mạc, chân chất đậm chất làng quê, tạo nét đẹp bình dị khó quên trong lòng du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, với thế mạnh là hệ thống hang động Tú Làn nổi tiếng, sự đầu tư khai thác hiệu quả của Oxalis Adventure, Tân Hóa được định vị trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Nơi đây sẽ là nền tảng để các khu vực lân cận, nơi có tài nguyên du lịch cùng phát triển.
Trước đó, vào năm 2022, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á nhận giải thưởng uy tín này.
Giải thưởng “Làng Du lịch tốt nhất” nhằm công nhận các điểm đến nông thôn coi du lịch là động lực phát triển và cơ hội mới tạo ra việc làm, thu nhập, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị và sản phẩm cộng đồng. Giải thưởng cũng vinh danh những ngôi làng có cam kết đổi mới, định hướng phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, du lịch phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs).
Qua 3 kỳ, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc đã nhận gần 600 đơn đăng ký từ gần 100 quốc gia. Hiện tại, Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc quy tụ 186 thành viên, có 129 làng được công nhận là Làng du lịch tốt nhất và 57 làng tham gia chương trình nâng cấp.
Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất gồm 3 trụ cột chính. Đầu tiên là “Làng du lịch tốt nhất của UN Tourism”, công nhận những ngôi làng điển hình về điểm đến du lịch nông thôn với tài nguyên văn hóa, tự nhiên được công nhận. Làng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm, lối sống nông thôn, cộng đồng, có cam kết đổi mới rõ ràng, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thứ 2 là “Làng du lịch tốt nhất của UN Tourism” phiên bản nâng cấp, tạo điều kiện cho một số bản làng chưa đạt đủ tiêu chuẩn để được công nhận. Những bản làng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc và các đối tác nhằm cải thiện các yếu tố còn thiếu hụt trong quá trình đánh giá.
Trụ cột thứ 3 là Hệ thống mạng lưới toàn cầu “Làng du lịch tốt nhất của UN Tourism”. Đây là mạng lưới trao đổi kinh nghiệm và thực hành, học hỏi, mang lại cơ hội cho các bản làng du lịch trên khắp thế giới. Mạng lưới gồm các chuyên gia và đối tác công-tư tham gia thúc đẩy du lịch vì sự phát triển nông thôn.
Ban cố vấn độc lập sẽ đánh giá các ứng viên dựa trên bộ tiêu chí về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên; phát huy, bảo tồn tài nguyên văn hóa; kinh tế, xã hội, môi trường bền vững; phát triển, liên kết chuỗi giá trị du lịch; quản trị, ưu tiên du lịch; cơ sở hạ tầng, kết nối; sức khỏe, an toàn và an ninh.