Du lịch cả nước đang “chuyển mình”
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022, ngành Du lịch Việt Nam đã đón 6,1 triệu lượt khách nội địa, nhiều hơn lượng khách của cả tháng 1 (khoảng 5,2 triệu lượt) và gần bằng lượng khách cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra dịch (hơn 7 triệu lượt), tổng doanh thu ước đạt 25.000 tỷ đồng. Những tỉnh, thành có lượng du khách cao gọi tên TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Tây Ninh, Kiên Giang, Lâm Đồng…
Có thể nói, rất lâu rồi những người làm du lịch mới được cảm nhận không khí tưng bừng của mùa cao điểm lễ hội. Một số khu nghỉ 4-5 sao ở Sa Pa (Lào Cai), Hòa Bình, Phú Quốc (Kiên Giang)… ghi nhận dù giá dịch vụ tăng cao nhưng vẫn đạt tỷ lệ lấp phòng từ 80-100%. Thậm chí, nhiều điểm đến ở Đà Lạt, Ninh Bình, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… còn xảy ra tình trạng ùn tắc du khách.
Bên cạnh lượng khách nội địa tăng cao, tính đến ngày 7/2, Việt Nam cũng đã đón 8.967 khách nước ngoài trong Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Mặt khác, theo dữ liệu từ công cụ Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam cũng tăng mạnh từ đầu năm 2022, khoảng 248% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể thấy, người dân đang dần vượt qua lo ngại về dịch bệnh và bắt đầu trở lại với các chuyến đi.
Du lịch Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nguồn lao động du lịch chất lượng cao. |
Với những dấu hiệu tích cực đầu năm, ngành Du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa) trong năm 2022, tăng 150% so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch toàn quốc dự kiến sẽ đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ đón 25 triệu lượt khách nội địa và 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 bởi hiện tại thành phố đã được xem là “vùng xanh” về phòng, chống dịch COVID-19. Còn Thủ đô Hà Nội phấn đấu sẽ đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế.
Đầu năm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã công bố năm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong năm 2022. Một trong năm nhiệm vụ đó chính là triển khai Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.
Để đạt được điều này, nhân lực là một mắt xích quan trọng bởi chất lượng dịch vụ quyết định phần lớn bởi chất lượng nhân sự. Theo nhận định của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Trước khi xảy ra dịch COVID-19, ngành Du lịch có hơn 2,5 triệu người; trong đó gần 1 triệu người làm trực tiếp. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch COVID-19, với 95% doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động nên nguồn nhân lực đã chuyển sang lĩnh vực khác. Do đó, với đà phục hồi du lịch, nỗi lo lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng”.
Trong bối cảnh du lịch cả nước đang “chuyển mình”, Thủ đô Hà Nội là một trong những nơi đầu tiên ban hành và triển khai kế hoạch về việc nhanh chóng phục hồi nguồn nhân lực du lịch. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đưa ra Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023. Theo đó, Kế hoạch đã chỉ ra ba nhiệm vụ quan trọng cần đạt được để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Thách thức bài toán thiếu hụt nhân sự
Những dấu hiệu khả quan từ chính sách của Nhà nước và thị trường du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đang hứa hẹn bức tranh tích cực cho các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong năm 2022. Tuy nhiên, mặc dù mở cửa du lịch nhưng vấn đề các doanh nghiệp lữ hành lo ngại nhất hiện nay vẫn là lượng khách và tuyển dụng nhân sự. Quả thực, điều này đang là một trăn trở của người làm du lịch.
Một ví dụ điển hình là ngành Du lịch thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) trong dịp Tết vừa qua. Mặc dù ngành Du lịch thành phố ghi nhận đón gần 100.000 lượt khách, nhưng trong đó, không ít du khách đã bày tỏ sự thất vọng vì họ không được phục vụ như mong đợi trên mạng xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch vẫn còn e dè chuyện mở cửa đón khách. Một nguyên nhân khác là các đơn vị mở cửa đón khách chưa kịp bổ sung nhân sự, chứ chưa nói đến việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng nhân sự. Điều đó cho thấy, ngay cả ở địa phương vốn có thế mạnh về nhân lực du lịch cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Du lịch xuân Nhâm Dần đầy khí thế. |
Theo chuyên gia du lịch TS. Trịnh Lê Anh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), với các doanh nghiệp phải “ngủ đông” trong thời gian qua, bây giờ là lúc “tái khởi nghiệp” từ đầu và sẽ phải tuyển dụng những nhân sự “đầu tiên” khi hoạt động trở lại. Mặt khác, chủ một công ty lữ hành cũng chia sẻ, với những người theo chuyên ngành du lịch, có thể nói rất ít trong số họ sẽ tự tin rời bỏ công việc hiện tại để bước chân vào ngành du lịch sau những gì họ được chứng kiến trong 2 năm vừa qua.
Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực không ngừng, có những hành động thực tế trong việc xây dựng, đào tạo và sử dụng nguồn lực lao động. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu du khách đã thay đổi, nhân sự du lịch trở lại cần được tập huấn, đào tạo nhiều kỹ năng phục vụ mới, đơn cử như các kỹ năng về công nghệ và bảo đảm an toàn trong quá trình hướng dẫn tour, phục vụ du khách…
Theo kinh nghiệm từ những lần phục hồi sau những đợt bùng dịch trước đây, nguồn nhân lực du lịch phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của doanh nghiệp du lịch và chịu ảnh hưởng lớn của thị trường lao động. Vì thế, trước hết, doanh nghiệp du lịch cần tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại làm việc. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện tối đa các chính sách hỗ trợ cho họ về môi trường làm việc, chế độ lương, bảo hiểm.
Về lâu dài, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước, chính quyền địa phương cần có những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng tỉ lệ nhân lực cho lĩnh vực này. Một số nguyện vọng khác là các cơ quan chức năng cần thống nhất hướng dẫn xử lý khi có phát sinh ca nhiễm trong quá trình tổ chức tour; tổ chức đào tạo tập trung có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước để giúp nhân lực du lịch quay trở lại nghề, sẵn sàng cho việc đón tiếp khách, đảm bảo chất lượng phục vụ đúng chuẩn.