Cùng với giá vé máy bay, giá phòng nghỉ, khách sạn tại các khu du lịch dự báo tăng mạnh vì lượng khách đi du lịch tăng cao sau thời gian “chôn chân” vì COVID-19.
Ông Phạm Việt Cương, quản lý Dana City hotel, một khách sạn 4 sao tại Đà Nẵng cho biết, thời điểm này, khách sạn chủ yếu nhận yêu cầu book phòng từ các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành chứ chưa nhận từ cá nhân, gia đình. Hiện tại giá phòng đơn giảm từ 200.000 – 300.000 đồng, giá phòng đôi giảm 300.000 – 500.000 đồng/phòng so với trước thời khi bùng phát dịch cách đây hơn 2 năm.
“Để phục vụ kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, khoảng 30% số lượng phòng của khách sạn đã được đặt trước. Hiện Dana City hotel chưa có chủ trương tăng giá phòng nghỉ và các dịch vụ đi kèm nhằm kích cầu du lịch, thu hút khách đến nghỉ dưỡng sau thời gian dài giãn cách”, ông Cương nói.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông của hãng lữ hành Fiditour – Vietluxtour, chia sẻ, đến thời điểm này đơn vị đã ký với một số đối tác trong việc tổ chức tour du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 và cho kế hoạch cả năm 2022.
Theo dự báo của Fiditour – Vietluxtour, thời gian từ sau 25/4 đến hết hè năm nay, lượng khách du lịch nội địa sẽ tăng rất cao, nhất là bùng nổ vào đợt cao điểm du lịch đầu tiên trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Nguyên nhân là sau hơn 2 năm phải “chôn chân” vì dịch bệnh, người dân không có cơ hội đi du lịch, nghỉ dưỡng. Do vậy, khi việc tiêm phòng đã cơ bản đầy đủ, chủng virus Omicron cũng ở thể nhẹ, dễ điều trị, các địa phương đã mở cửa đón khách thì dễ tạo nên làn sóng đổ xô đi du lịch dài ngày.
“Dự báo trong dịp nghỉ lễ này, các tour du lịch biển như Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Tuy Hòa (Phú Yên) hay vùng cao nguyên như Đà Lạt (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai), Măng Đen (Kon Tum), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình); Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách”, bà Thu nói.
Tương tự, theo đại diện truyền thông Tập đoàn Sun Group, lượng khách đặt phòng tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng của đơn vị tại Sapa (Lào Cai), Bà Nà Hill (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang) đang tăng từng ngày.
“Từ bây giờ cho đến hết 20/4, đơn vị chưa có kế hoạch tăng giá phòng mà vẫn duy trì mức giá hiện tại”, vị này nói.
Tuy vậy, đại diện các khách sạn đều thừa nhận, sau 20/4, khả năng giá phòng sẽ tăng lên 30 – 50%, thậm chí là lên đến 60 – 70%, nếu lượng du khách nội địa bùng nổ, vượt quá nguồn cung.
Quản lý Dana City hotel chia sẻ, khi nào lượng khách đặt phòng đạt 60% tổng số phòng thì doanh nghiệp sẽ tính chuyện tăng giá phòng.
“Tùy theo loại phòng Suite Gia đình; phòng VIP; phòng Comfort cho 3 người; phòng Deluxe giường đôi…mà giá có thể tăng từ 400.000 đến 1 triệu đồng/phòng/ngày đêm, ở từng thời điểm. Do vậy, khách đặt phòng càng sớm thì giá càng rẻ”, ông Cương nói.
Nhiều đơn vị khác cũng đang tính trước phương án tăng giá phòng để duy trì hoạt động sau hơn 2 năm gần như không khai thác được gì từ ngành du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng.
“Giá phòng dự kiến tăng từ 30-60% so với hiện tại, nhưng vẫn nằm trong khung quy định về bảng giá cho phép của ngành du lịch tại các địa phương mà đơn vị khai thác. Mức giá này cũng đảm bảo du khách yên tâm nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn phong cảnh”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội nói.
Khảo sát tại Đà Nẵng cho thấy, tuy các khách sạn lớn chưa tăng giá nhưng một số khách sạn nhỏ, nhà nghỉ đã thông báo tăng từ 50.000 – 200.000 đồng/phòng/ngày kể từ ngày 20/4.