Ngày 12/9, tại Khánh Hòa, Câu lạc bộ Quản lý Buồng Việt Nam, thuộc Hiệp hội Khách sạn Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Giải pháp thu hút, phát triển nguồn nhân lực ngành khách sạn – kiến tạo môi trường làm việc hấp dẫn nhân viên ngành khách sạn” với gần 200 đại biểu làm việc trong lĩnh vực khách sạn của cả nước tham dự.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp nhằm góp phần thu hút nguồn nhân lực cho ngành khách sạn hiện nay; đồng thời chia sẻ các phương pháp xây dựng môi trường làm việc “Tích cực tràn đầy năng lượng” cho nhân viên trong khách sạn và tôn vinh nghề housekeeping (khối buồng, phòng trong khách sạn) nhân dịp Tuần lễ Housekeeping quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý Buồng Việt Nam nhấn mạnh, 8 tháng năm 2022, du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, du lịch nội địa bùng nổ đạt xấp xỉ 80 triệu lượt khách, vượt qua kế hoạch của ngành Du lịch đã đề ra (60 triệu lượt khách).
Thời gian qua, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang dần hồi phục, dẫn đến thiếu hụt về nhân lực, nhiều khách sạn không đủ người làm, đặc biệt trong dịp hè vừa qua. Các khách sạn đã tuyển dụng gấp, tuyển tạm thời những người không có kinh nghiệm, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.
Tuy nhiên, đến nay, tình hình khách du lịch nội địa giảm mạnh, khách quốc tế chưa nhiều, do đó đây là thời điểm quan trọng để ngành khách sạn cơ cấu lại tình hình nhân lực của đơn vị, xây dựng môi trường làm việc tích cực, nhiều năng lượng cho lực lượng nhân viên làm việc trong môi trường khách sạn.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đưa ra ý kiến về việc ứng dụng chuyển đổi số vào trong lĩnh vực khách sạn, môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, chế độ lương, đào tạo nghiệp vụ phải được chú trọng hàng đầu; góp phần giải quyết về nhân lực.
Bàn về thực trạng hệ thống lưu trú du lịch Việt Nam và những cơ hội phát triển của nhân lực ngành Khách sạn, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết, cả nước có 22 địa phương có khách sạn với sức chứa lớn trên 8.000 buồng như: Thanh Hóa, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Ninh…, do đó nhu cầu nhân lực cho ngành khách sạn là rất lớn.
Thời gian qua, nhân sự khách sạn của Việt Nam đã được đào tạo tại chỗ, ngoại ngữ tốt hơn, có bề dày kinh nghiệm, trưởng thành và chiếm lĩnh các vị trí trưởng bộ phận, giám đốc điều hành một số khách sạn trong tập đoàn toàn cầu.
Mặt khác, công tác liên kết đào tạo đã khắc phục dần tính tự phát, liên kết đào tạo giữa nhà nước – nhà trường – nhà sử dụng lao động đạt những kết quả tốt. Cùng với đó, quy mô, năng lực và các trường đào tạo ngày càng được nâng cao, phủ kín khắp các tỉnh, thành…
Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, du lịch nội địa tăng trưởng “hơi nóng”, năng lực phục vụ không theo kịp, tạo nên bất ổn chất lượng, nhận được những phản hồi từ khách du lịch không tốt.
Chia sẻ về môi trường làm việc tốt của một số khách sạn, ông Trần Văn Tùng, Tổng Quản lý khách sạn D’Qua, Nha Trang cho rằng, cùng với yếu tố lương thưởng, cơ hội làm việc trong một môi trường người lao động được sự thừa nhận của các chủ thể như người quản lý, khách hàng, mối quan hệ cởi mở giữa các đồng nghiệp… sẽ tạo nên sự hạnh phúc cho người lao động.
Ngoài ra, các khách sạn cũng cần tạo điều kiện cho nhân viên thăng tiến trong công việc để giữ chân được người lao động và phát triển nguồn nhân lực thành nhân lực chất lượng cao.
Cùng quan điểm trên, ông Võ Quang Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hội Khách sạn Nha Trang – Khánh Hòa, Tổng Quản lý Khách sạn Ariyana SmartCondotel Nha Trang cho rằng, nguồn nhân lực hiện là một bài toán quan trọng của các khách sạn.
Do đó, việc đào tạo và giữ chân người lao động cần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cần được chú trọng và phát triển cho các đối tượng là thực tập sinh của các trường đào tạo du lịch.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nêu, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Khánh Hòa đang giai đoạn phục hồi.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Khánh Hòa đề ra mục tiêu ngành Du lịch năm 2025 sẽ tạo việc làm cho trên 160 nghìn lao động. Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa tương đối trẻ, dưới 35 tuổi, có trình độ cao.
Để duy trì và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giải pháp căn cơ của tỉnh là phát triển toàn diện thể lực, trí lực, tâm lực; đồng thời phân bổ, sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực thông qua các hệ thống phân công lao động…/.