ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG NHÂN CHÍNH, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, lượng du khách quốc tế trong năm 2022 chỉ đạt 3,6 triệu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5 triệu lượt. Năm 2023, mục tiêu đón khách quốc tế 8 triệu lượt, theo ông đây có phải là con số quá kỳ vọng?
Ông HOÀNG NHÂN CHÍNH: – Việt Nam đã mở cửa hoạt động du lịch từ 15-3-2022, được Tổ chức Du lịch thế giới nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Chúng ta có cơ hội rất lớn để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, nhưng tiếc là cơ hội đó bị bỏ qua và mất đi nguồn doanh thu đáng kể từ du lịch quốc tế đem lại.
Cũng cần nhắc lại rằng, năm 2022 Việt Nam là 1 trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất, theo thống kê của nhiều tạp chí du lịch thế giới. Cùng năm này, Việt Nam cũng xuất sắc giành 16 giải thưởng du lịch hàng đầu thế giới. Song với mục tiêu chỉ 5 triệu lượt khách quốc tế đề ra lại không đạt được, trong khi nhiều nước trong khu vực đã đạt được, thậm chí vượt.
Thí dụ, du lịch Thái Lan năm 2022 đặt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế nhưng họ đã đón được 11,8 triệu lượt. Năm 2023, nước này đặt mục tiêu đón 25 triệu lượt và họ tự tin đón được 30 triệu lượt khách quốc tế. Còn Việt Nam năm 2023 đặt chỉ tiêu 8 triệu lượt so với con số đón khách thực tế khoảng 3,6 triệu lượt vào năm 2022, rõ ràng đây là con số đầy tham vọng.
Việc đặt ra các con số mục tiêu để phấn đấu là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải có kế hoạch đúng, phù hợp để có thể đạt được mục tiêu. 8 triệu khách cao hay không tùy vào các chính sách và kế hoạch phù hợp; quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương và của chính người dân tại các điểm đến.
– Theo thống kê, khách đến từ Nga và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Nhưng hiện việc đón khách đoàn từ 2 thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
– Năm 2019, với 5,8 triệu lượt khách đến Việt Nam, du khách Trung Quốc chiếm 32,2% thị phần khách quốc tế vào Việt Nam, và đứng hàng đầu trong các nước có du khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là thị trường vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam.
Các nước trong khu vực cũng có chung mong muốn đón thị trường khách này. Chính vì thế, việc Việt Nam chưa có trong danh sách 20 nước được thí điểm đón khách đoàn Trung Quốc vừa công bố, khiến nhiều doanh nghiệp du lịch hụt hẫng là điều tất yếu.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ VH-TT-DL có công hàm gửi tới Bộ VH-DL Trung Quốc, đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách khuyến khích đưa tour du lịch đến, là việc làm thiết thực, kịp thời. Vấn đề đáng lưu ý, là hiện nay chúng ta vẫn chưa có văn phòng xúc tiến du lịch tại Trung Quốc, để khảo sát, tìm hiểu rõ thị hiếu nhu cầu của du khách từ thị trường này, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch, cách tiếp thị du lịch phù hợp, nhằm thu hút cả số lượng cũng như thu hút dòng khách du lịch cao cấp từ Trung Quốc.
Trên trang web quảng bá du lịch chính thức Vietnam.travel cũng chưa có trang tiếng Trung Quốc, nên cần có chiến dịch tiếp thị mạnh dành cho các công ty lữ hành, báo chí, tiktoker, blogger…
– Đề bù đắp lượng khách đang thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc, du khách Hàn Quốc được kỳ vọng nhiều. Theo ông cần làm gì để thu hút thêm khách từ thị trường quan trọng này?
– Hàn Quốc là thị trường truyền thống và đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam từ nhiều năm. Trước 2019, khách Hàn Quốc chiếm 23,8% thị phần khách quốc tế Việt Nam, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Nhiều điểm đến của Việt Nam rất thích đón khách Hàn Quốc. Muốn thu hút cần khảo sát để hiểu hơn xu hướng và nhu cầu của khách Hàn Quốc ở Việt Nam.
Thực tế, không chỉ Hàn Quốc, với nhiều thị trường khách tiềm năng, trọng điểm của du lịch, chúng ta cũng chưa có những khảo sát đầy đủ, quy mô. Trước Covid-19, Hội đồng Tư vấn du lịch có làm khảo sát cho thấy khách Hàn Quốc có xu hướng du lịch golf cao.
Đây là thị trường ngách nhưng nếu biết khai thác cũng đem lại lợi nhuận tốt, bởi dòng khách du lịch này có xu hướng chi trả cao hơn khách bình thường. Tour du lịch golf không chỉ thu hút khách nam mà khách nữ cũng rất quan tâm. Du khách Hàn Quốc cũng mê nghỉ dưỡng biển cao cấp…
Tại Hàn Quốc, Việt Nam đã có đại sứ du lịch nhưng vẫn chưa có văn phòng đại diện xúc tiến du lịch và việc quảng bá trực tuyến trên trang web Vietnam.travel cũng chưa có trang tiếng Hàn. Chỉ khi biết rõ mong muốn của du khách Hàn Quốc khi tới Việt Nam mới có thể đưa ra các giải pháp xúc tiến bằng cách đặt mục tiêu cụ thể trong từng chiến dịch truyền thông, các kênh bán hàng phù hợp, cũng như tháo gỡ các vướng mắc để có thể đa dạng về dòng khách, về số lượng khách khi đến với Việt Nam.
Cùng đó, dòng khách đến từ Ấn Độ trong thời gian qua cũng ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Từ đứng vị trí thứ 16 về số lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam trong năm 2019, Ấn Độ đã vươn lên vị trí thứ 9 trong năm 2022.
Thống kê cũng cho thấy lượng người tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên web Vietnam.travel từ Ấn Độ tăng đột biến, đứng thứ 2 là rất bất ngờ, cho thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường mới nổi và tiềm năng này.
Nhân đây tôi cũng nói về một số ý kiến lo ngại tính khả thi về mục tiêu của du lịch Việt Nam hướng tới các thị trường, dòng khách có chi tiêu cao (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…). Theo đó, cần nhìn vấn đề lạc quan.
Việc thu hút khách đừng quá cân nhắc khả thi hay không, mà phải làm với tâm thế nhìn thấy dòng khách nào có lợi thì quyết tâm chiếm lấy. Cứ chờ đợi mà không có kế hoạch đúng để hiện thực hóa tham vọng sẽ rất khó. Quan trọng là đủ quyết tâm và xây dựng kế hoạch đúng với dòng khách này hay chưa.
– Xin cảm ơn ông.