Nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ hàng không, du lịch… đang tìm mọi ‘cú hích’ để phát triển, tạo sức hút với du khách và kéo dòng tiền về nhanh hơn.
Cú “bắt tay” khởi đầu
Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) thường niên vừa diễn ra tại đảo du lịch Langkawi (Malaysia) từ ngày 27 đến 29/2. Gần 400 tổ chức gồm các hãng hàng không, sân bay, các tổ chức cung ứng dịch vụ hàng không… đến đây nhằm mục tiêu duy trì kết nối, thảo luận các kế hoạch hợp tác lâu dài để tăng trưởng bền vững ngành hàng không nói riêng và ngành du lịch của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) luôn tích cực tham gia những sự kiện như vậy. Trong lần tham gia này, bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc CRTC đã chuẩn bị kỹ cho kế hoạch gặp gỡ các hãng hàng không, sân bay của các thị trường tiềm năng cho du lịch tỉnh Khánh Hòa trong năm 2024, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nga…
Các cuộc gặp gỡ với đối tác sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển về hàng không và giới thiệu hình ảnh du lịch chuyên nghiệp, thân thiện của Khánh Hòa tới các đại biểu, tạo kết nối tới các hãng hàng không, sân bay, công ty tổ chức du lịch, lữ hành quốc tế trong chuỗi hoạt động phục vụ du khách quốc tế, ghi dấu ấn hình ảnh du lịch Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Trước đó vài ngày, CRTC cũng có cú “bắt tay” đầy ấn tượng, mở đầu cho một năm mới với nhiều kỳ vọng. Đó là hợp tác với Công ty Sân bay quốc tế Changi (Changi Airport International – CAI), thành viên của Tập đoàn Changi Airport nhằm tổ chức quản lý, vận hành theo những tiêu chuẩn quốc tế như sân bay Changi ở Singapore.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG
Động thái này của CRTC nhằm từng bước nâng công suất phục vụ từ 6,8 triệu lượt khách (năm 2019) lên 8 – 10 triệu lượt khách/năm. Ngay trong những ngày đầu năm 2024, sân bay Cam Ranh đã hợp tác với 3 hãng hàng không, tạo thành điểm đến mới với các thị trường du khách tiềm năng từ châu Âu và châu Á.
Sân bay Changi nổi tiếng với các tiện ích hàng đầu như phát triển trung tâm mua sắm miễn thuế, gồm hàng loạt cửa hàng bán lẻ chuyên nghiệp, cung cấp các sản phẩm từ thời trang đến mỹ phẩm, đồ điện tử và quà lưu niệm, giúp hành khách có thể mua sắm thoải mái và tận hưởng chính sách miễn thuế trước khi lên máy bay.
Đặc biệt, Changi nổi lên với những ứng dụng công nghệ như check-in tự động, đăng ký nhập cảnh qua điện thoại di động, nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học, sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận chuyển hành lý…
Những tiện ích đó tạo nên trải nghiệm sân bay đẳng cấp và đáng nhớ đối với hành khách, giúp Changi liên tục giữ vững vị thế là một trong những sân bay hàng đầu thế giới trong vài thập kỷ qua.
Trong thời gian tới, sân bay quốc tế Cam Ranh sẽ từng bước ứng dụng công nghệ check-in, hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) tự động, xuất nhập cảnh… như Changi Airport.
Cổ đông chính của Dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh là “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Ngoài ra, dự án này còn có sự góp mặt của một số đại gia trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Theo các nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, sự hợp tác này không chỉ là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam, mà còn cho thấy tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực.
Tìm chỗ cho khách tiêu tiền
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, năm nay, CRTC sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ phi hàng không ở sân bay, mà theo cách nói của ông là “sẽ có rất nhiều cái hay ho”. Tuy nhiên, điều đáng tiếc với nhà đầu tư này là không có khu dowtown duty (cửa hàng miễn thuế dưới phố) và factory outlets (trung tâm bán hàng giảm giá) để có chỗ cho khách du lịch quốc tế tiêu tiền như ở các nước khác.
Cuối năm 2022, liên doanh giữa Tập đoàn Kinh doanh miễn thuế Lotte và Công ty thành viên IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã khai trương cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hàng chục triệu USD.
Ngay lập tức, khu cửa hàng miễn thuế này trở thành “thỏi nam châm” hút khách Hàn Quốc, đồng thời nhanh chóng có mặt trong top những điểm “phải đến” khi tới thủ phủ du lịch miền Trung. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng thừa nhận, do chưa có sự liên kết tốt, nên cửa hàng miễn thuế này chưa thực sự tạo “cú hích” cho thị trường du lịch mua sắm tại Thành phố.
Vài năm trở lại đây, IPPG thường xuyên đề xuất mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố. Đặc thù của mô hình này là bán nguyên giá các hàng hóa có số lượng giới hạn thuộc quản lý của thương hiệu danh tiếng trên thế giới.
Tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam (tháng 11/2023), bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG cũng đề xuất mô hình kinh doanh này.
Bà Thủy Tiên cho rằng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang hồi phục, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu so với các nước trong khu vực, thì số lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam còn khiêm tốn. Minh chứng, trong 10 tháng đầu năm 2023, Thái Lan đón khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, tạo ra doanh thu khoảng 22,58 tỷ USD, còn Việt Nam chỉ đón được 10 triệu lượt khách quốc tế.
Một trong những giải pháp thu hút du khách đến Việt Nam và tiêu tiền, theo đề xuất của Tổng giám đốc IPPG, là phát triển mô hình factory outlets trong khu phi thuế quan. Trên thế giới, mô hình này rất thành công, khẳng định được sức hút với khách quốc tế và nội địa. Các nước trong khu vực đều có outlet với quy mô hiện đại, hấp dẫn khách quốc tế đến mua sắm, kể cả người Việt Nam, như Jeju Premium Outlet (Hàn Quốc), Siam Premium Outlet (Thái Lan)…
“Nếu outlet của Việt Nam nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm, thay vì họ phải bay đi châu Âu, châu Mỹ”, bà Thủy Tiên cho biết.
Điển hình, trong năm 2022, du khách nội địa Trung Quốc được mua 15.000 USD miễn thuế/người/năm, Hải Nam tăng trưởng 80% về du lịch, đầu tư tăng gấp đôi, GDP tăng 4,2 lần.
Bằng uy tín trên 30 năm hợp tác và kinh doanh với hơn 138 thương hiệu cao cấp của thế giới, IPPG tự tin có thể mở được ngay một loạt outlet phục vụ mua sắm du lịch nếu có các cơ chế, chính sách mua hàng hợp lý.
“Ở Phú Quốc, mặc dù quy hoạch khu phi thuế quan đã có hơn 10 năm, IPPG được chọn làm nhà đầu tư, nhưng do chưa ban hành cơ chế, chính sách vận hành, nên không thể đầu tư được”, bà Thủy Tiên nêu.
Ngoài ra, mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố cũng là một hình thức thu hút khách du lịch. Đặc thù của cửa hàng miễn thuế là hàng bán nguyên giá thuộc quản lý của thương hiệu danh tiếng trên thế giới. Họ có quyền chọn lọc, phân phối có giới hạn số lượng mặt hàng tại từng quốc gia. Nhưng các cửa hàng miễn thuế sẽ giúp phát triển thương mại giá trị cao cho Việt Nam, sẽ tác động, cộng hưởng, làm tăng các dịch vụ khác như khách sạn, ẩm thực, thương mại, vận chuyển. Đồng thời, đây cũng là nơi quảng bá sản phẩm địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch. Ở Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỷ USD/năm cho TP. Seoul.
Chưa kể, các công ty du lịch Việt Nam được hưởng 10% hoa hồng trên doanh số từ việc bán hàng miễn thuế sẽ giúp giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn cho các công ty du lịch, lữ hành, để có thể cạnh tranh giá tour trong khu vực đề xuất.
Thực tế “ảo” ra tiền thật
Trở lại với động thái CRTC “bắt tay” Changi, khá nhiều người kỳ vọng, sân bay Cam Ranh sẽ phát triển giống như Changi.
Trên thực tế, việc đầu tư phát triển Changi, một biểu tượng quốc gia, rất quan trọng đối với nền kinh tế Singapore. Ngành du lịch Singapore đã phục hồi đáng kể vào năm 2023, với lượng du khách quốc tế đạt 13,6 triệu lượt, bằng 71% so với mức trước đại dịch Covid-19.
Doanh thu du lịch của nước này trong năm qua đạt khoảng 24,5 – 26 tỷ đô la Singapore (SGD), vượt xa so với con số dự báo. Các thị trường trọng điểm góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ này gồm Indonesia, Trung Quốc và Malaysia.
Trong đó, phân khúc du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện) ngày càng phát triển thông qua việc tổ chức các sự kiện kinh doanh và giải trí đáng chú ý, từ đó giúp nâng cao vị thế của Singapore trên toàn cầu. Ngoài ra, trải nghiệm du lịch Singapore ngày càng phong phú với rất nhiều điểm tham quan và trải nghiệm mới, gồm các tour khám phá mang tính tiên phong và trải nghiệm thực tế ảo.
Trong năm nay, Tổng cục Du lịch Singapore kỳ vọng, doanh thu du lịch tiếp tục tăng trưởng bền vững nhờ sự nâng cấp mạng lưới hàng không và chính sách visa mang tính chiến lược. Singapore dự báo đón 15 – 16 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt 26 – 27,5 tỷ SGD.
Cần phải nhắc lại, trong năm 2022, Singapore đã dành gần 367 triệu USD để thúc đẩy sự hồi sinh của ngành du lịch, bao gồm cả những tiện ích không chạm ở sân bay Changi, như các kios tự làm thủ tục và điểm gửi hành lý sử dụng công nghệ cảm biến; cổng nhập cảnh tự động quét khuôn mặt và mống mắt; robot làm sạch tự động sử dụng phun sương để khử trùng thảm… Bởi thế, chính sân bay Changi cũng là một địa điểm được đầu tư để thu hút khách du lịch mỗi năm.
“Đi chơi sân bay” trở thành lựa chọn được đông đảo du khách háo hức đưa vào kế hoạch khám phá mỗi khi tới đảo quốc sư tử. Tham vọng của ngành du lịch Singapore chính là, dù du khách chỉ quá cảnh hay du lịch ở Singapore, thì việc dành vài giờ ở sân bay Changi chắc chắn phải nằm trong danh sách “việc cần làm”, từ đó thúc đẩy du khách chi tiêu và quay trở lại.
Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư vào lĩnh vực liên quan tại thị trường Việt Nam kỳ vọng.