Khả năng phục hồi “mong manh”
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết dù Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng về du lịch và hàng không.
Ông Quân chỉ ra nguyên nhân các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở cửa rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản (người dân e ngại đi du lịch nước ngoài, chọn đi trong nước vì lý do an toàn và xuất phát yếu tố thu nhập)…Trong khi doanh thu từ thị trường hàng không từ Trung Quốc chiếm 30% tổng thị trường vẫn đang đóng băng.
“Việt Nam rất may mắn vì có thị trường nội địa, đã hỗ trợ rất nhiều cho các hãng bay. Việc hãng hàng không có đường bay để khai thác đã là tốt, huống chi đạt con số bằng hoặc vượt so với 2019”, ông Quân chia sẻ.
Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines, báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, tốc độ phục hồi hàng không giữa các khu vực không đồng đều, riêng châu Á-Thái Bình Dương là chậm nhất so với các khu vực khác. Dự kiến lạc quan thị trường hàng không cuối 2024 mới phục hồi so với trước dịch (năm 2019).
Trong khi đó, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển khi có thị trường nội địa có tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn.
“Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn ‘chạy đà’ trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế khi các giãn cách được xóa bỏ,” ông Nề nhận định.
Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biế, việc mở lại thị trường vận tải hàng không năm 2022 đã giúp doanh thu vận tải hành khách phục hồi nhanh chóng, tuy nhiên, tốc độ phục hồi ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ và lộ trình mở cửa rộng rãi của Trung Quốc và một số quốc gia khác. Do đó, ông kỳ vọng việc nối lại hoạt động du lịch, đi lại bằng đường hàng không sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu toàn ngành năm 2023.
Đề xuất miễn visa du lịch từ 15 ngày lên 30 ngày
Liên quan tới chính sách visa, TS Cấn Văn Lực cho rằng, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đang phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Kể cả năm 2023, ngành du lịch cũng chỉ đặt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế, trong khi năm 2019 thu hút 18 triệu lượt.
“Số liệu đó cho thấy, việc khôi phục thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn rất khó khăn. Mở rộng chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là nút thắt then chốt đặt ra hiện nay”, ông Lực nói.
Chuyên gia hàng không và du lịch, TS Lương Hoài Nam kể, khi tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, tại nhiều hội nghị về mở cửa đón khách du lịch quốc tế đều đặt kỳ vọng Việt Nam mở sớm để tận dụng cơ hội “để bằng, thậm chí vượt Thái Lan”.
Tuy nhiên, ông Nam đánh giá, thực tế rất khác, trước khi xảy ra dịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng 1/2 Thái Lan, năm 2022 chỉ bằng 1/3 (3,6 triệu khách so với 10,5 triệu của Thái Lan); mục tiêu cho năm 2023, Việt Nam cũng chỉ đặt ra bằng 1/4 của Thái Lan.
“Tại các hội nghị, các bên đều nhận diện, chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế là nút cản lớn nhất trong phát triển du lịch Việt Nam, nếu không thay đổi du lịch sẽ khó phục hồi và cạnh tranh với các nước trong khu vực; tuy nhiên thực tế vẫn không mấy thay đổi. Trong khi 70-80% khách du lịch quốc tế đi bằng máy bay, nên du lịch khó, hàng không cũng khó có cơ hội phục hồi”, ông Nam nói.
Lãnh đạo Bamboo Airways cũng đồng tình đề xuất, trước tiên nhà nước nên gỡ chính sách visa cho khách du lịch quốc tế, như kéo dài thời gian miễn visa du lịch từ 15 ngày lên 30 ngày; mở rộng thêm quốc gia được áp dụng chính sách này.
Các đề xuất trước mắt tăng trần giá vé, tiến tới bỏ quy định khung giá vé máy bay nội địa, mở rộng chính sách miễn visa cũng được đại diện các hãng hàng không, chuyên gia kinh tế dự toạ đàm ủng hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia đề xuất đi liền với bỏ khung giá vé máy bay phải có các quy định, chế tài để giám sát, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của người dân.
Kiến nghị về giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân – Tổng Giám đốc Bamboo Airways nêu ra ba nhóm giải pháp: Nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn; và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn.
“Giá trần từng giữ vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Nhưng đến nay thì vai trò đó đã được hoàn thành. Các đường bay có từ hai hãng hàng không khai thác trở lên, nên trả về với cơ chế thị trường”, ông Nguyễn Mạnh Quân nêu quan điểm.
Xem xét về yếu tố quyền lợi của người tiêu dùng, lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định, việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng, vì các hãng có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá, khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn. Xét cho cùng, các hãng không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, cung ứng sản phẩm.
Hiến kế để ngành hàng không có những bước đi vững chắc trong việc tháo bỏ cơ chế giá, chuyên gia Trần Thọ Đạt khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước, để đảm bảo các hãng hàng không phát triển bền vững, lâu dài.
Được biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu tổng kết Luật Hàng không dân dụng, làm cơ sở đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi luật này; trong đó có định hướng điều chỉnh quy định liên quan tới khung giá vé máy bay nội địa./.