Thị phần thu hẹp, nguồn khách thu hẹp thì các doanh nghiệp du lịch phải tăng cường tính liên kết, phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích. Ảnh VGP |
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn, làm thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới, đặc biệt kinh tế du lịch. Việc khắc phục những thiệt hại đó đang là yêu cầu đặt ra cho cả một chặng đường dài ở phía trước với tất cả các quốc gia. Sẽ cần ít nhất từ hai tới ba năm để kinh tế du lịch thế giới và Việt Nam phục hồi như trước khi bùng phát dịch bệnh.
Hai tình trạng của du lịch nội địa
Ở Việt Nam khi chưa xảy ra đại dịch có ba loại hình du lịch phân theo các đối tượng khách. Đó là: Du lịch nội địa (Domestic Tourism), Du lịch đón khách quốc tế vào Việt Nam (Inbound Tourism) và Du lịch đưa du khách Việt Nam đi ra nước ngoài (Outbound Tourism). Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay còn rất phức tạp, khách Inbound và khách Outbound chưa thể có nên toàn ngành du lịch Việt Nam cần phải tập trung cho phát triển du lịch nội địa (Domestic tourism). Du lịch nội địa phải trở thành xương sống của du lịch Việt Nam.
Phát triển du lịch nội địa hiện nay xảy ra 2 tình trạng. Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nội địa từ trước đến nay thì không gặp quá nhiều khó khăn khi dịch bệnh được kiểm soát. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp này hiện nay là vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế nay chuyển sang kinh doanh du lịch nội địa.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế gặp khó khăn rất lớn khi nguồn khách Inbound không có, chuyển sang thị trường kinh doanh trong nước với các đối tượng khách nội địa đa dạng hơn khách du lịch Inbound trước đó. Các điểm đến du lịch của khách nội địa cũng khác với đối tượng khách Inbound. Thái độ, phong cách phục vụ đối với khách nội địa cũng khác với khách Inbound khiến cho đội ngũ nhân viên của các công ty lữ hành quốc tế gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế vốn ít có thị phần trong nước so với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa nay lại phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều đối thủ. Tất cả những điều đó buộc các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thay đổi nội dung và hình thức hoạt động trong phát triển điểm đến, tiếp thị, tổ chức điều hành các chương trình du lịch; điều chỉnh thái độ, phong cách phục vụ khách du lịch trong các chương trình du lịch…
Qua gần hai năm đại dịch hoành hành, đã có hàng nghìn doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ không đủ sức trụ vững trước khó khăn buộc phải dừng hoạt động, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng. Rất nhiều người lao động trong các doanh nghiệp này đã chuyển đổi công việc. Đại dịch COVID-19 đã thực sự “thay máu” ngành du lịch. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn về nguồn nhân lực trong quá trình phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong điều kiện bình thường mới, slogan hành động của ngành Du lịch Việt Nam, của các doanh nghiệp và cá nhân trong ngành du lịch nên bám vào “Lục tự phương ngôn: Hòa để tiến, chờ để chiến”.
Không thể “làm tất-ăn cả”
Là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế du lịch vốn mang tính liên kết mạnh. Hoạt động du lịch có bản chất là sự kết nối. Sự kết nối đó thể hiện trên ba khía cạnh: Kết nối thời gian – kết nối không gian và kết nối dịch vụ để phục vụ các đối tượng du khách. Điều kiện thực tế hiện nay thị phần thu hẹp, nguồn khách thu hẹp thì vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch là phải tăng cường tính liên kết, phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích, khó có thể kinh doanh độc lập theo kiểu “làm tất – ăn cả” như trước đây.
Không một cá nhân, doanh nghiệp nào có thể dễ dàng tổ chức thành công, trọn vẹn các tour du lịch trọn gói mà phải liên kết, phối hợp với nhau chặt chẽ cùng làm nên chiến thắng; cùng làm nên sự thành công của một chương trình du lịch mà trước đây khi chưa có dịch, một mình doanh nghiệp nào đó cũng dễ dàng tổ chức thành công chương trình du lịch độc lập.
Hiện nay, số lượng khách du lịch nội địa không tập trung, thường nhỏ lẻ, phân tán về không gian và thời gian cư trú cũng như phân tán về không gian và thời gian du lịch. Chính bởi lẽ đó việc gom khách, gửi khách, xâu chuỗi và kết nối dịch vụ, kết nối khách hàng, kết nối điểm đến… để cùng làm nên chiến thắng trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh gây ra. Do vậy, phương châm hiện nay đối với các doanh nghiệp du lịch nên phải là “Phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích”.
Ảnh VGP |
Đào tạo nhân lực để chuyển đổi số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nền kinh tế số ngày càng phát triển. Điều này trong lĩnh vực du lịch đồng nghĩa phần nào với việc các cá nhân, gia đình trực tiếp tự đi du lịch, tự tìm kiếm điểm đến, tự tìm kiếm dịch vụ, tự lựa chọn dịch vụ…
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang chi phối mạnh mẽ đến phương cách thông tin truyền thông, marketing của các doanh nghiệp từ phương cách truyền thông thông thường, chuyển sang truyền thông trực tiếp, trực tuyến (liên hệ trực tuyến nhưng trực tiếp với khách hàng không thông qua trung gian). Khách du lịch nội địa sẽ tăng cường tìm kiếm các sản phẩm du lịch, đặt các dịch vụ du lịch bằng các hình thức thông qua phương tiện kỹ thuật số, kinh doanh trực tuyến nhiều hơn… Từ đó đặt ra yêu cầu thay đổi trong đào tạo nhân lực du lịch để đáp ứng điều này. Đây cũng là thách thức lớn với các cơ sở đào tạo công lập trong lĩnh vực du lịch vì lạc hậu về công nghệ vốn là đặc trưng của các cơ sở đào tạo công lập chưa tự chủ hiện nay.
Chú trọng xây dựng thương hiệu của sản phẩm du lịch đặc trưng
Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, với Du lịch Việt Nam cùng một lúc phải tiến hành đồng loạt xây dựng thương hiệu du lịch trên 4 cấp độ: Thương hiệu du lịch quốc gia; thương hiệu du lịch địa phương; thương hiệu doanh nghiệp du lịch; thương hiệu sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong tình hình hiện nay; thương hiệu du lịch quốc gia chưa kịp xây dựng xong, đang trong quá trình hình thành, ra đời thì hiện thời/tạm thời việc này lại không cần nữa bởi không có khách quốc tế.
Thương hiệu của riêng các doanh nghiệp du lịch có xu hướng chuyển dịch thành thương hiệu tập thể, tập đoàn bởi tính liên kết, phối hợp hành động chặt chẽ như nói ở trên. Do vậy, trong giai đoạn này, vấn đề xây dựng thương hiệu doanh nghiệp có thể sẽ không còn quan trọng như trước. Bù lại, vấn đề thương hiệu của sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu du lịch của các địa phương sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, các địa phương phải tăng cường xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch ấn tượng, sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt. Điều đó sẽ góp phần tạo ra môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn tại các không gian du lịch trong nước.
Những vấn đề về “hộ chiếu vaccine”, việc mở cửa từng phần hay đồng loạt còn đang tiếp tục được cân nhắc; nhìn xem khu vực và thế giới họ làm gì để học tập, rút kinh nghiệm. Chúng ta cần tập trung phát triển du lịch nội địa thật tốt, thật hiệu quả. Để các chương trình du lịch nội địa ngày càng nâng cao chất lượng, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cùng phối kết hợp tổ chức các hoạt động liên kết vùng, tổ chức các đoàn du lịch famtrip khảo sát, đánh giá để đưa ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn… đáp ứng nhu cầu các nhóm nhỏ, đoàn nhỏ du khách ghép lại với nhau mang những yêu cầu riêng, đặc điểm riêng chứ không phổ cập, đại trà như trước khi diễn ra đại dịch. Tất cả những điều đó lại đặt ra những câu chuyện mới, tư duy mới, hành động mới…
Mặc dù còn rất nhiều nguy cơ nhưng về cơ bản dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt; điều đó tạo điều kiện cho du lịch trong nước phát triển. Để du lịch nội địa nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19 có rất nhiều công việc phải tiến hành đồng bộ, nhiều việc phải tiến hành ngay, chủ động, sáng tạo, quyết liệt.
PGS.TS DƯƠNG VĂN SÁU
Trưởng khoa Du lịch,
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Kỳ 3: Đà Nẵng: Chống dịch thật tốt để phục hồi du lịch