Vậy nhưng, đáng tiếc là trong năm qua, mặc dù Việt Nam là một trong những nước mở cửa khá sớm trở lại từ tháng 3 sau khi khống chế thành công dịch Covid-19, nhưng mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế đã không đạt được. Không chỉ vậy, theo Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ khách quốc tế mong muốn quay lại Việt Nam chỉ khoảng 10%, trong khi ở một số nước ngay trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ này lên tới 80%. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng đáng buồn trên?
Du khách tham quan phố cổ Hội An bằng xích lô. Ảnh minh họa: TTXVN |
Một lý do dễ nhận thấy là sự khác nhau giữa chính sách thị thực (visa) của Việt Nam và một số nước tại khu vực đã gây nên bất lợi trong cạnh tranh của ngành du lịch. Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia. Trong khi đó, để thu hút du khách nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19, Thái Lan miễn thị thực cho công dân 64 quốc gia và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực cho công dân 63 quốc gia và vùng lãnh thổ… Trong khi Việt Nam chủ yếu miễn thị thực trong thời hạn lưu trú là 15 ngày, thì Thái Lan đã mạnh tay đẩy thời gian lưu trú của công dân các nước được miễn thị thực với mặt bằng chung là 45 ngày. Chính sách miễn thị thực này tác động không nhỏ tới quyết định của du khách và cũng ảnh hưởng tới thời gian khách lưu trú. Với những công dân từ các quốc gia không được miễn thị thực, thời gian và chi phí thực tế để hoàn thành các thủ tục là trở ngại không nhỏ. Những trở ngại ấy tạo ra cảm giác không mấy dễ chịu cho du khách, tác động đến việc họ có muốn quay lại để đối mặt với nó lần nữa hay không.
Sức hấp dẫn của ngành du lịch còn là tổng hòa của những sản phẩm du lịch riêng biệt, sự chuyên nghiệp, văn hóa ứng xử của tất cả những người mà du khách tiếp xúc từ khi bước chân xuống sân bay. Khi đi du lịch, du khách nào cũng muốn có cảm giác dễ chịu, thoải mái, những ấn tượng đẹp. Ấy thế mà trên không ít diễn đàn về du lịch, du khách đã lan truyền những câu chuyện không hay về sự “chặt chém” của lái xe taxi, của các quán ăn, về nạn cướp giật, trộm cắp, móc túi, lừa đảo mà họ gặp phải khi du lịch tại Việt Nam. Chúng ta có thể cho rằng những hiện tượng trên không phổ biến. Thế nhưng, sự lan truyền của những thông tin ấy ảnh hưởng bất lợi đến hình ảnh của du lịch Việt Nam, thậm chí cả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Để khắc phục hiện tượng đáng buồn đó cần một quá trình giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của mỗi con người trong xã hội.
Về chiến lược dài hạn, cần phải tạo ra sự thuận lợi hơn nữa của các đường bay quốc tế tới Việt Nam, liên kết các đường bay, biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển quốc tế. Ngành du lịch cần nghiên cứu, phân tách rõ nhu cầu của các nhóm du khách như: Nhóm có nhu cầu mua sắm, nhóm du lịch nghỉ dưỡng, nhóm đến làm việc, nhóm đi chữa bệnh… để từ đó tìm cách đáp ứng tốt nhất.
Muốn đón được lượng lớn du khách đến Việt Nam đã là việc không dễ, nhưng để níu chân khách, tạo nhu cầu, tình cảm để khách trở lại Việt Nam nhiều lần là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, của các địa phương và cả những người dân nhằm tạo ra sức hấp dẫn của quốc gia.