Biển đảo là thế mạnh của ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhiều năm qua. |
Du lịch phục hồi nhanh
Ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Bộ VHTT&DL) cho biết, Việt Nam tiếp tục nằm trong những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, minh chứng là 9 tháng đầu năm nước ta đón gần 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Tương tự, con số tăng trưởng của khách nội địa cũng tăng ở mức kỷ lục kể từ sau dịch với 60 triệu lượt.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch đánh giá lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn – chỉ đạt 33% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Theo ông Đức, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.
“Hiện, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid và vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế, xung đột giữa Nga – Ukraina tác động đến tâm lý, kinh tế, thu nhập của người dân, ảnh hưởng tới luồng khách du lịch quốc tế giữa các khu vực…”, ông Đức nói.
“Thời gian tới thị trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Vì vậy, bên cạnh các phân khúc đã khai thác tốt cần phát triển phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các hoạt động thể thao ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, Úc và thị trường mới nổi là Trung Đông”, ông Đức gợi ý.
Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đức cho rằng để du lịch Khánh Hòa cũng như các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên phải chuẩn bị tốt giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, coi liên kết phát triển du lịch là trọng tâm thời gian tới.
Trong 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,7 triệu lượt. |
“Khánh Hòa nên giữ vai trò trung tâm để kết nối với các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, mỗi địa phương nên xác định một số sản phẩm nổi trội, không trùng chéo để tạo thành thương hiệu sản phẩm du lịch da dạng của khu vực. Đồng thời, tăng cường hợp tác công – tư nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ liên kết, phát triển du lịch trên nhiều phương diện”, ông Đức gợi mở.
Phát triển sản phẩm tạo sức hút
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, để phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế, nhiệm vụ quan trọng vẫn là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, tạo sức hút cho điểm đến.
“Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh giữa các điểm đến trong và ngoài khu vực, tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên cần có thêm sản phẩm mới và đa dạng hóa tăng thêm giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần giảm thiểu tính thời vụ, khai thác tối đa hiệu quả của hoạt động kinh tế du lịch”, ông Đinh Ngọc Đức nói.
Các đại biểu cũng cho rằng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có rất nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Vùng Tây Nguyên thế mạnh về du lịch văn hóa, nơi có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; trong khi các tỉnh Nam Trung bộ chiếm ưu thế về du lịch biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng biển. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh ở 2 khu vực này vẫn chưa thật sự liên kết, tạo thành chuỗi vững chắc, lâu bền để cùng nhau phát triển du lịch bền vững.
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, khu vực này đều có thế mạnh riêng để phát triển du lịch, tuy nhiên chưa có chuỗi liên kết nào thực sự bền vững, đủ sức hấp dẫn để níu chân nhà đầu tư và du khách.
Vùng Tây Nguyên thế mạnh về du lịch văn hóa, nơi có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. |
“Chúng tôi dự rất nhiều hội thảo về liên kết để phát triển du lịch, nhưng cứ mỗi cuộc hội nghị như vậy lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh đó đều chỉ nêu được thế mạnh của tỉnh mình, trong khi không ai nêu ra hay gợi mở được chuỗi liên kết, sản phẩm cần liên kết với các tỉnh khác”, PGS.TS. Phạm Trung Lương nói.
Vị chuyên gia cho rằng, cần đánh giá lại tính hiệu quả của mô hình liên kết vùng du lịch hiện nay, đặc biệt đối với cơ chế luân phiên trưởng vùng. “Chúng ta cần xem xét thành lập Ban điều phối phát triển du lịch cấp vùng do Lãnh đạo Bộ VHTT&DL chủ trì, thường trực là lãnh đạo Tổng cục Du lịch để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong điều hành liên kết vùng”, PGS.TS. Phạm Trung Lương đề xuất.