Trước những quy định về điều kiện để hướng dẫn viên du lịch (HDV) được nhận hỗ trợ 3,71 triệu đồng từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ, một số Sở Du lịch/Sở quản lý du lịch có đội ngũ HDV lớn nhất nước cũng đang phải cân nhắc, xem xét. Ước tính, trên 28.000 HDV (28.274) gồm HDV du lịch quốc tế, HDV du lịch nội địa và HDV tại điểm, sẽ nhận tổng số tiền tương đương 105 tỷ đồng, tức chỉ chiếm khoảng 0,5% gói hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó Trưởng phòng Lữ hành Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng, với hai điều kiện đưa ra: hoặc có hợp đồng lao động hoặc có thẻ Hội viên tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch, đang gây ra không ít khó khăn cho HDV khi làm thủ tục nhận hỗ trợ.
Ông Chí phân tích, trên cả nước, trong số hơn 27.000 HDV quốc tế và nội địa đáp ứng được một trong hai điều kiện, thì gần 6.500 người là hội viên Hội HDV Du lịch Việt Nam (khoảng 4.000 hội viên) và Hội HDV Du lịch Đà Nẵng (gần 2.500 hội viên). Vậy, với điều kiện thẻ hội viên cũng chỉ thỏa mãn 24% số hướng dẫn viên có thẻ.
Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị đơn giản hóa thủ tục để HDV được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng (ảnh minh họa) |
Còn lại, trong số hơn 20.000 HDV, khoảng 3.000 DHV cơ hữu có hợp đồng lao động dài hạn với doanh nghiêp lữ hành. Vậy, trên thực tế, hơn 17.000 HDV (chiếm 62,5% tổng số HDV cả nước) sử dụng hợp đồng ngắn hạn, hay còn gọi là HDV tự do, ký hợp đồng lao động đối với các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành có thời gian ngắn, từ vài ngày đến dưới 1 tháng, dưới các hình thức hợp đồng lao động thỏa thuận dân sự như hợp đồng hướng dẫn, hợp đồng khoán việc, hợp đồng chương trình, hợp đồng tour,…
Số tiền hỗ trợ 17.000 người theo diện hợp đồng theo tour ngắn ngày ước khoảng 65,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Chí phân tích, đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 28 Hội HDV Du lịch (gồm 28 chi hội của Hội HDV Việt nam và 1 Hội HDV Đà Nẵng) có thể tham gia lấy thẻ hội viên, còn 35 tỉnh thành chưa có tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch, nên việc 17.000 HDV trên đăng ký vào Hội để đủ điều kiện nhận trợ cấp cũng có thể gặp khó khăn do nhiều địa phương không có tổ chức này.
Hiện nay, Sở Du lịch TP.HCM quản lý hơn 6.000 HDV có thẻ HDV quốc tế, nội địa, trong đó chỉ khoảng 1.200 HDV đủ điều kiện được nhận hỗ trợ do là hội viên hay có ký kết hợp đồng lao động chính thức với DN. Khoảng 4.800 HDV với hợp đồng ngắn hạn, theo tour vẫn đang gặp trở ngại.
Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục
Trong khi đó, các nội dung hướng dẫn tại Quyết định 23 về các điều kiện để HDV được nhận hỗ trợ, đặc biệt là việc công nhận loại hợp đồng lao động, đang gây lúng túng cho các cơ quan quản lý du lịch tại địa phương khi triển khai gói trợ cấp. Các Sở Du lịch có số hướng dẫn viên lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh,… vẫn phải chờ chủ trương thống nhất từ Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch nên chưa tiếp nhận hồ sơ của HDV.
Nhiều Sở Du lịch/Sở quản lý du lịch địa phương vẫn chờ hướng dẫn từ Tổng cục Du lịch về điều kiện để HDV được nhận hỗ trợ |
Chẳng hạn, trong văn bản ký ngày 19/7 xin ý kiến Bộ, ngành chủ quản, Sở Du lịch TP.HCM băn khoăn, HDV tự do ký hợp đồng lao động với DN lữ hành có thời hạn ngắn, từ vài ngày đến dưới 1 tháng, dưới các hình thức hợp đồng lao động thỏa thuận dân sự như hợp đồng hướng dẫn, hợp đồng khoán việc, hợp đồng chương trình, hợp đồng tour,… vậy, các dạng hợp đồng này có được chấp nhận đối với điều kiện hỗ trợ tại Quyết định 23 không?
Đây cũng là thắc mắc của Sở Du lịch Quảng Ninh. Theo Sở này, HDV có hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định dưới 12 tháng (hợp đồng chuyến) trong thời gian từ 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành liệu có được hỗ trợ?
Chưa kể, Sở Du lịch TP.HCM cho hay, theo thống kê từ UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP, chỉ còn khoảng 50% lượng DN lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN chuyên thị trường outbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ 1/1/2020 đến 31/5/2021 có tổng cộng 171 DN kinh doanh lữ hành rút giấy phép hoạt động (trong đó có 152 DN outbound và 19 DN lữ hành nội địa). Do đó, rất khó để các HDV nhận được sự hỗ trợ từ các DN lữ hành trong việc truy xuất lại hợp đồng lao động đã ký kết.
Đối với các trường hợp HDV là chủ DN và không có thẻ hội viên của Hội HDV du lịch thì có được hỗ trợ không? Nếu được, cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào? Đây là câu hỏi chung của cả Sở Du lịch TP.HCM và Sở Du lịch Quảng Ninh.
Rồi trường hợp HDV có thẻ, có hợp đồng với DN lữ hành hoặc có thẻ hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, nhưng sau thời gian ban hành của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23 có được hỗ trợ?
Theo các cơ quan quản lý du lịch địa phương, HDV là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Họ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế khi thất nghiệp. Do đó, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch đề xuất Chính phủ đơn giản hóa các điều kiện nhận hỗ trợ để tạo điều kiện cho HDV được tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ.
Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị, HDV được nhận hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có thẻ HDV. Với hợp đồng lao động, chấp nhận các hình thức: hợp đồng lao động, hợp đồng theo tour, hợp đồng kinh tế, hợp đồng du lịch, hợp đồng thuê cộng tác viên, hợp đồng lao động thời vụ, hợp đồng thuê cộng tác viên hướng dẫn, hợp đồng vụ việc,… có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương liên quan đến hoạt động hướng dẫn du lịch và có sự quản lý, điều hành, giám sát của DN lữ hành có giấy phép theo đúng quy định.