
Những con số đẹp
Năm 2024, ngành du lịch đã đạt được nhiều con số ấn tượng như: phục vụ gần 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 38,9%); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%). Đáng chú ý, về mảng khách quốc tế, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phục hồi du lịch năm 2024 tốt nhất Đông Nam Á.
Cụ thể, năm 2024, Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, mức phục hồi đạt 98% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Các nước khác trong khu vực đều có mức phục hồi thấp hơn như Thái Lan (88%), Singapore (86%), Philippines (72%).
Mức phục hồi của du lịch Việt Nam được đánh giá tương đương với du lịch thế giới (99%). Nếu tính lượng khách quốc tế đến trong năm 2024, Việt Nam vượt qua Singapore (16,5 triệu lượt), vươn lên xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng các nước đón nhiều khách quốc tế nhất Đông Nam Á 2024, sau Thái Lan (35 triệu lượt) và Malaysia (24,5 triệu lượt).
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company (công ty nghiên cứu chuyên sâu về du lịch – khách sạn) cho rằng mức độ phục hồi du lịch Việt Nam là một con số đáng ghi nhận và là niềm vui của ngành. Nhưng cũng cần nhìn vào thực tế sự phục hồi ấy vẫn chủ yếu dựa vào thị trường khách nguồn là Trung Quốc, Hàn Quốc (trong đó Hàn Quốc là thị trường có mức độ phục hồi sau dịch tốt nhất) chứ không phải chúng ta có thêm thị trường nguồn mới.
Tháng đầu tiên của năm 2025, Việt Nam tiếp tục ghi nhận lượng khách quốc tế tăng mạnh với gần 2,1 triệu lượt (tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với 2024). Trong đó, châu Á vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 1,6 triệu lượt khách.
Đáng chú ý, trong dịp Tết Nguyên đán cũng ghi nhận lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều địa phương. Theo đó, từ ngày 25-1 đến 2-2 nhiều địa phương ghi nhận lượng khách quốc tế đến tăng cao. Đứng đầu cả nước là Quảng Ninh với 228.700 lượt khách. Kế đến là Đà Nẵng (228.000 lượt khách, tăng 29%), Quảng Nam (157.000 lượt khách, tăng 40%), Hà Nội (142.000 lượt khách, tăng 15,8%), TPHCM (87.358 lượt khách, tăng 16,5%).
Lo quá tải hạ tầng
Những kết quả này được xem là tiền đề thực hiện mục tiêu 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Tuy nhiên, con số 23 triệu lượt khách là một thách thức không nhỏ, ngành du lịch Việt Nam cũng như các địa phương phải có nhiều phương án xúc tiến để thu hút khách.
Thực tế, nếu xét về góc độ lượng khách và hạ tầng du lịch sẽ thấy có nhiều áp lực cần được giải tỏa. Giả sử Việt Nam đón được 23 triệu lượt khách, trong đó phần đông đến bằng đường hàng không liệu có kham nổi khi các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đều đang quá tải. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khi lượng khách quốc tế đến Phú Quốc tăng mạnh thì sân bay Phú Quốc cũng quá tải khiến không ít du khách quốc tế phải than phiền.
Mục tiêu năm 2025, ngành du lịch đóng góp 6-8% GDP. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp nếu so với Thái Lan (23%), Philippines (22,5%), thậm chí như du lịch Campuchia cũng chiếm tới 25,8% tổng GDP.
Thực tế, ngoài hạ tầng hàng không, các hạ tầng dịch vụ du lịch khác như buồng phòng, giao thông… cũng sẽ là mối quan tâm không nhỏ khi khách quốc tế và trong nước đều tăng cao.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, nếu tính số lượng khách sạn, phòng ở của toàn ngành du lịch sẽ không thiếu, nhưng vấn đề là du lịch Việt Nam thường chỉ tập trung ở một số điểm đến chính như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Nhìn lại năm 2017-2019 tại một số điểm đến du lịch như Hội An, Nha Trang hay Đà Nẵng đã có tình trạng quá tải. Năm 2025 với mục tiêu 23 triệu lượt khách về lý thuyết có thể tiếp tục quá tải.
Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào tháng 5-2024, cho thấy Việt Nam đứng thứ 59/119, với điểm trung bình 3,96/7 trong bảng xếp hạng.
Nếu so với thống kê của 2 năm trước, đây là sự tụt hạng đáng kể khi Việt Nam đứng thứ 52/117, với điểm trung bình 4,1/7. Điểm yếu của du lịch Việt Nam là hạ tầng dịch vụ. Với chỉ số này, du lịch Việt Nam chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 80/119 trên toàn thế giới.
Theo ông Phước, việc quá tải tại những điểm đến, đơn cử như Hội An nếu không thận trọng còn gây ra những hệ lụy không đáng có với di sản này. Dường như Việt Nam đang thiếu đi sự điều phối quốc gia nhằm giảm tải cho các điểm đến du lịch chính (hay còn được gọi là các Hub du lịch). Thiếu đi việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho các điểm đến mới nhằm giảm tải cho hạ tầng du lịch tại những điểm đến quen thuộc.
Thiếu sản phẩm và dịch vụ
Khi lượng khách tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc ngành du lịch phải mang đến nhiều sản phẩm và dịch vụ để níu chân du khách, khiến du khách chi tiêu nhiều hơn. Lý thuyết cũ nhưng thực tế cũng không có gì mới.
Những giải thưởng như điểm đến di sản hàng đầu châu Á, điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á có thể hỗ trợ kéo khách đến với Việt Nam. Thế nhưng, sau khi tham quan di sản, điểm đến khách sẽ trải nghiệm dịch vụ nào, tiêu tiền ở đâu vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Còn nhớ có một thời điểm nhiều địa phương cùng đẩy mạnh cuộc đua phát triển kinh tế đêm nhằm phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào thực sự tạo được cú hích. Các địa phương và cả ngành du lịch vẫn thiếu đi sản phẩm du khách “phải trải nghiệm” khi đến. Hay như câu chuyện được nói nhiều trong 2 năm qua là đẩy mạnh đón khách Ấn Độ, nhưng chúng ta đã có sản phẩm, dịch vụ tốt để đón nhóm khách này hay chưa.
Tại hội nghị về du lịch hồi cuối năm ngoái, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy, đánh giá công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là với các loại hình du lịch mới; quy trình xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan phát triển du lịch còn rườm rà.
Một số doanh nghiệp cho rằng Luật Du lịch 2017 còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tất cả đang tạo ra không ít thách thức cho ngành du lịch trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.