Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: VGP. |
Cụ thể, du lịch Việt Nam sau 2 năm đóng băng do Covid-19 đã về đích với tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13,5 triệu lượt), tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm.
Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.
Thể thao đã đạt nhiều thành tích cao, đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 32; đạt kết quả tốt ở ASIAD 19, vòng loại Olympic và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới, đội tuyển bóng đã nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: VGP. |
Trong lĩnh vực văn hóa, ngành đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023)…
Nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. UNESCO đã công nhận vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản. Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Đà Lạt và Hội An trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO…
Biểu dương những kết quả mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được trong năm vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực VHTT&DL.
Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL thực hiện 8 giải pháp trọng tâm gồm:
Thứ nhất, tập trung triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Thứ hai, đột phá trong chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTT&D, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản. Kết hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững.
Ưu tiên cho hệ thống thiết chế văn hóa, Thủ tướng bày tỏ trăn trở, mong muốn đất nước tiếp tục có thêm những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tầm vóc, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa tạo dấu ấn đột phá, tầm cỡ thế giới.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước về thể dục thể thao. Đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao chuyên nghiệp, đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế.
Thứ năm, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số.
Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch phấn đấu năm 2024 đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Thủ tướng xem trình diễn khèn và thăm triển lãm về các thành tựu của ngành VHTT&DL – Ảnh: VGP. |
Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ, chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp đối với những người làm việc trong ngành VHTTDL.
Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế trong ngành du lịch, xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người, bảo đảm tiếp cận bình đẳng về văn hóa, thể thao, du lịch với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là với những người yếu thế.
Thứ tám, đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, giữa các địa phương, giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thể thao, lĩnh vực du lịch.
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng toàn thể những người làm công tác VHTTDL tiếp tục chung sức, đồng lòng, sáng tạo và cống hiến, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.