Theo Tổng cục Du lịch, dịp Tết Nhâm Dần, ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đợt cao điểm du lịch Tết vừa qua cũng bộc lộ nhiều bất cập từ góc độ quản lý của các cơ quan chức năng cho đến các hộ kinh doanh, người làm dịch vụ du lịch.
Cụ thể, những ngày đầu năm mới, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) quá tải, du khách dựng lều tá túc nơi các bãi cỏ, dưới gốc thông. Có thời điểm tại các điểm tham quan nổi tiếng, hàng ngàn người, phương tiện chen lấn.
Lượng người đổ về Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng tăng đột biến. Hầu hết các khách sạn đều không còn phòng, nhiều nhà nghỉ tăng giá gấp đôi, gấp ba. Có khách đặt phòng qua ứng dụng, đến nơi chủ cơ sở lưu trú lại thông báo không tiếp nhận. Dù chấp nhận giá tăng nhưng nhiều người vẫn không kiếm được chỗ nghỉ, phải trải bạt bên lề đường, bãi đỗ xe… để ngả lưng.
Tình trạng quá tải du khách trong những ngày đầu xuân cũng xảy ra tại Sa Pa, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Bên cạnh đó, chuyện “chặt chém” của một số hàng quán mà các mạng xã hội đăng tải; nhiều thời điểm sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng người chờ đón taxi, xe công nghệ… cũng khiến du khách than phiền.
Đây không phải lần đầu xảy ra quá tải, “cháy” phòng, kẹt xe, kẹt sân bay, tăng giá, “chặt chém” du khách… Tình trạng này lặp đi, lặp lại vào mỗi dịp lễ, Tết nhưng đến nay, từ cơ quan chức năng đến các tổ chức làm du lịch, lữ hành vẫn chưa có những hoạch định, tổ chức bài bản, chu đáo hơn.
Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội phục hồi với sức bật mạnh mẽ. Để có thể mở cửa hoàn toàn và duy trì sự mở cửa một cách an toàn, ngành du lịch phải tính toán kỹ, trong đó có việc tháo gỡ các rào cản đi lại cũng như các thủ tục đón tiếp du khách trong nước và ngoài nước. Cần tập trung khắc phục những tồn tại lâu nay như sản phẩm quà tặng đơn điệu, trùng lắp; tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách; taxi dù, xích lô côn đồ…
Ngành du lịch cũng cần tập trung chỉ đạo, hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi tỉnh, thành có một sản phẩm độc đáo”; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh phát triển công nghệ sạch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đồng thời, tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường trong và ngoài nước.