Năm 2023 sẽ là một năm bùng nổ của du lịch khi có tới khoảng 36 sự kiện quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam tại nước ngoài dự kiến sẽ diễn ra. Đồng thời, các hoạt động du lịch trong nước cũng được chú trọng đầu tư, nâng cấp tạo ra nhiều cơ hội bứt phá.
Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên có thể phát triển du lịch mạnh mẽ. Ảnh: TT.
Những năm qua, với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, du lịch Việt Nam đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng lợi thế sẵn có; với tài nguyên du lịch, cảnh quan, địa hình đa dạng; khí hậu nhiệt đới ôn hòa; nền văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em cùng chiều dài lịch sử, ẩm thực phong phú; đặc biệt là văn hóa lối sống của người Việt chân tình, ấm áp, bao dung, cởi mở, tất cả làm nên một Việt Nam hấp dẫn, một điểm đến có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách. Từ góc độ đó, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về du lịch.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 đi qua, du lịch là một trong những ngành được ưu tiên phục hồi sớm nhất và có khả năng là mũi tiến tiên phong góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại được hơn một năm (kể từ thời điểm 15/3/2022). Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch “Thúc đẩy phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước.
Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ thuận lợi như bây giờ, một thị trường gần 100 triệu dân, có đà phát triển từ những năm trước, có chủ trương, nền chính trị ổn định, có những chính sách ưu tiêu phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ những kết quả đạt được trong 30 năm qua, những điều kiện thuận lợi có được đặt nền móng cho đến nay, du lịch Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh, tiếp đà phát triển của những giai đoạn trước, vượt lên để trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở châu Á, trong khu vực và trên thế giới.
Sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài, Việt Nam khởi động lại du lịch sớm và thuận lợi bởi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Năm Du lịch quốc gia khai mạc tại Quảng Nam sau 10 ngày Việt Nam tiến hành mở cửa du lịch (15/3/2022) với sự tham dự của Chính phủ và sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương cho thấy lãnh đạo Chính phủ dành nguồn động viên to lớn cho ngành du lịch Việt Nam.
Những kỳ vọng tiếp tục được đẩy mạnh và đầu tư thông qua chuỗi các sự kiện du lịch. Với những hoạt động quảng bá, phong phú đa dạng về các loại hình du lịch, lễ hội sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế.
Mặc dù 2023 được dự báo là năm nhiều khó khăn, thách thức hơn cho nền kinh tế, nhưng lãnh đạo ngành du lịch vẫn đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng.
Tại buổi làm việc mới đây với Tổng Cục du lịch, Bà Nguyễn Minh Hằng Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết, năm 2023 sẽ là một năm bùng nổ của du lịch khi có tới khoảng 36 sự kiện quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam tại nước ngoài dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi một số nội dung hai bên có thể chia sẻ thông tin, phối hợp hoạt động nhằm tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, góp phần phục hồi ngành du lịch sau dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Bộ Ngoại giao đề xuất Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp tổ chức một số hội nghị, tọa đàm quốc tế có sự tham gia của một số chuyên gia từ các thị trường trọng điểm của Việt Nam để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phục hồi và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông và Ấn Độ; trong đó, công tác xúc tiến du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bà Hằng đề nghị phía Tổng cục Du lịch cung cấp các tư liệu, ấn phẩm du lịch tới các cơ quan đại diện và Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để chung tay truyền tải thông tin tới người dân và du khách ở nước sở tại.
Theo, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục du lịch ông Hà Văn Siêu, Tổng Cục Du lịch cũng đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy cả du lịch inbound và outbound, đặc biệt bảo đảm quyền lợi cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Về việc quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam, ngoài những loại hình du lịch chủ đạo như du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch MICE… du lịch văn hóa ẩm thực cũng cần được chú trọng, bởi ẩm thực chính là cách đưa du khách quốc tế biết tới nhiều hơn về Việt Nam.
Du lịch MICE là gì?
Tên đầy đủ tiếng Anh của du lịch MICE là Meeting Incentive Conference Event, MICE là viết tắt của các từ Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm).
Đây là loại du lịch MICE đặc biệt, bởi sự kết hợp giữa hoạt động du lịch với tổ chức sự kiện, hội thảo, triển lãm, hội nghị, khen thưởng,… Hiện nay, càng ngày càng có nhiều tổ chức/đơn vị lựa chọn kết hợp loại hình du lịch MICE để tổ chức cho khách hàng, đối tác hoặc nhân viên của mình.
Phó Tổng cục trưởng đề xuất một số hoạt động hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm: hỗ trợ các chuỗi nhà hàng Việt Nam tại nước ngoài quảng bá ẩm thực Việt Nam; cấp nhãn chứng nhận nhà hàng và cung cấp thông tin cho du khách; tổ chức các sự kiện như Năm Việt kiều tại nước ngoài; mời các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch trên thế giới tới tham dự hội nghị, hội thảo về du lịch quốc tế tổ chức tại Việt Nam, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam